BỘ MÁY QUẢN LÝ, CƠ CHẾ VẬN HÀNH LÀ CHÌA KHÓA THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO Ở DOANH NGHIỆP

27/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực I cho rằng, về bộ máy quản lý và cơ chế vận hành, bên cạnh những chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bộ máy quản lý và cơ chế vận hành cũng đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, Học viện Chính trị khu vực 1 cho rằng, về bộ máy quản lý và cơ chế vận hành, bên cạnh những chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bộ máy quản lý và cơ chế vận hành cũng đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng; Hỗ trợ, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Vận hành, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Hiện nay, số lượng tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo phân theo cấp quản lý ở nước ta như sau: Bộ ngành (29); Tỉnh, địa phương (69); Doanh nghiệp (73); Liên Hiệp hội (27).

Các tổ chức hỗ trợ ĐMST tại các tỉnh, địa phương cũng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển ĐMST tại chính địa bàn mình, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh tỉnh/ địa phương điển hình, nổi bật về đổi mới sáng tạo.

Hiện các Tổ chức hỗ trợ ĐMST tỉnh, địa phương chiếm 35% tổng số 197 tổ chức Hỗ trợ ĐMST đang hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức này có những hoạt động, chương trình thiết thực tạo nền tảng cơ bản và đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương đối mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp, được đúc kết thành các lõi giá trị: Đầu mối liên kết các hoạt động ở quy mô vùng, quốc gia, kết nối quốc tế; Đầu mối triển khai các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, dịch vụ kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu; Quản lý dữ liệu và năng lực đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương, liên kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về đổi mới sáng tạo; Đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, hỗ trợ các hoat động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các thành phần trong hệ sinh thái; Tổ chức các chương trình ươm tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, các sáng kiến kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, vùng và cả nước.

Tổ chức hoạt động tư vấn viên, các sự kiện truyền thông về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, liên kết với Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Hỗ trợ hạ tầng và cơ sở vật chất dùng chung phục vụ hoạt động phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế phát triển của địa phương phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Cung cấp gói tư vấn, thông tin về trang thiết bị nghiên cứu, kiểm chuẩn trong toàn bộ hệ thống các phòng thí nghiệm công và tư, sử dụng hiệu quả các thiết bị phòng thí nghiệm hiện có thông qua mô hình kết nối chia sẻ thông tin dùng chung, kết hợp giữa khối tư nhân và khối công lập; Phát triển và thiết lập các dịch vụ nền cần thiết để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tại địa phương xây dựng, đề xuất được các giải pháp đổi mới sáng tạo hiệu quả các dự án khởi nghiệp có tiềm năng, phát triển các sản phẩm công nghệ đủ sức gia nhập vào thị trường thương mại.

Để có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp một cách bền vững và minh bạch, công bằng, khách quan thì Chính phủ cũng đã luôn chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, về phía địa phương, HĐND, UBND tỉnh đã phối hợp cùng với các Sở, ban ngành, các cơ quan có liên quan thực hiện chỉ đạo, rà soát, đôn đốc và thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Một số văn bản luật có giá trị pháp lý cao trong lĩnh vực này đã lần lượt được ban hành, từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990, Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đến Luật Thanh tra năm 2004 và mới đây nhất là Luật Thanh tra năm 2010 cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật. Các văn bản pháp luật nói trên đã tạo hành lang pháp lý quan trọng đối với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đối với các doanh nghiệp.

Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Bên cạnh những nội dung chỉ đạo trực tiếp khác, chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm, nhằm mục đích không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Một số địa phương đã thực hiện tốt tinh thần của Chỉ thị số 20, có sự phân công nhiệm vụ đối với từng sở, ban, ngành qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể: Sở Nội vụ: Triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 ở các sở, ngành, địa phương. Sở Công thương: Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.

Thanh tra tỉnh: Thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đối với Thanh tra các huyện, thành phố, Thanh tra các sở, ngành thuộc tỉnh; Ký kết quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan: Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước; giữa Thanh tra tỉnh với Bảo hiểm Xã hội tỉnh; vì vậy hạn chế, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đảm bảo nguyên tắc không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/doanh nghiệp/năm; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Cục Thuế tỉnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế của người nộp thuế. Tập trung kiểm soát các thủ tục hành chính thuế có liên quan đến lĩnh vực mà người nộp thuế đang thực hiện nhằm phát hiện những thủ tục trùng lắp, không cần thiết gây lãng phí, phiền hà cho người nộp thuế để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì việc thực hiện kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; định kỳ hàng quý và cả năm tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện, trình UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ theo quy định.

Minh Hùng