THỂ CHẾ, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI SỐ CHƯA ĐÁP ỨNG VÀ THEO KỊP YÊU CẦU THỰC TIỄN CHUYỂN ĐỔI SỐ

27/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, thể chế, cơ chế, chính sách an sinh xã hội số chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số và Đề án 06. Theo tổng hợp từ các báo cáo của bộ, ngành có liên quan về ASXH là thiếu hành lang pháp lý như: Quy định về thực hiện sinh trắc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; về lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc…

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, dù đã có những nỗ lực trong quá trình chuyển đổi ASXH số, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia, nhưng nhìn nhận theo một chiều hướng tổng thể thì chuyển đổi ASXH số vẫn còn tồn tại những bất cập cần sớm khắc phục.

Thứ nhất, thể chế, cơ chế, chính sách ASXH số chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số và Đề án 06. Theo tổng hợp từ các báo cáo của bộ, ngành có liên quan về ASXH là thiếu hành lang pháp lý như: Quy định về thực hiện sinh trắc trong KCB BHYT; về lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc; việc tích hợp thông tin công dân vào chíp điện tử trên thẻ CCCD từ các giấy tờ cá nhân khác nhau; quy định về cách thức ứng dụng dữ liệu dân cư thay thế việc xuất trình các giấy tờ thụ hưởng ASXH khác, v.v.

Thứ hai, công tác thu thập thông tin ban đầu của đối tượng gặp khó khăn (chưa cung cấp được CCCD hoặc cung cấp thông tin chưa chính xác) nên việc xác thực thông tin cá nhân ban đầu của các đối tượng thụ hưởng ASXH với CSDL quốc gia về dân cư còn chưa khớp, chưa có kết quả hoặc lúng túng trong cách đo lường đánh giá. Việc tích hợp dịch vụ xác thực chủ hộ và cung cấp thông tin thành viên gia đình cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật cư trú 2020 để làm cơ sở tính mức đóng BHYT hộ gia đình cũng như các dịch vụ ASXH khác có liên quan đến xác thực thông tin hộ gia đình còn nhiều bất cập.

Thứ ba, việc đồng bộ hóa trong các hoạt động đầu tư hạ tầng ASXH số, đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm, CSDL và nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ASXH còn nhiều bất cập giữa các bộ, ngành và địa phương. Nhiều thôn, bản chưa được phủ sóng di động, thiếu điện. Việc tích hợp các loại Sổ giấy thành một loại Sổ điện tử (sức khỏe, sổ BHXH, BHYT, BHTN, sổ hộ nghèo, cận nghèo) còn chưa được triển khai, đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, về lao động, việc làm.

Thứ tư, hạ tầng ASXH số ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chưa được xác thực thông tin cá nhân, chưa có phần mềm kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán (hệ thống ngân hàng thương mại chưa phát triển đồng đều ở những khu vực này). Mặt khác, đối tượng thụ hưởng ASXH ở các khu vực này đều là người có thu nhập thấp, cho nên việc chi phí ban đầu mở và duy trì tài khoản hàng tháng, rút tiền tại cây ATM là một bất cập, nên đối tượng thụ hưởng chưa sẵn sàng tham gia nhận trợ cấp, nhận chi trả bằng chuyển khoản, chủ yếu vẫn dùng tiền mặt và gặp gỡ trực tiếp.

Thứ năm, kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển còn rời rạc, cát cứ, chia sẻ từ các nền tảng, hệ thống của các cơ quan trung ương với địa phương vẫn còn khó khăn (dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo, nông – lâm – ngư nghiệp để đối soát khi thực hiện các DVC trực tuyến đóng BHXH tự nguyện, đóng BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành). Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến về ASXH ở mức độ cao còn hạn chế, chưa thuận tiện cho mọi đối tượng thụ hưởng ASXH từ khu vực thành thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn, quyền riêng tư cá nhân trong chuyển đổi số ASXH còn chưa cao.

Minh Hùng