TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Kỳ họp thứ 7.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên thảo luận chiều 21/5 của Kỳ họp thứ 7 là vấn đề đấu giá trực tuyến. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến. Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác. Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà.
Đóng góp ý kiến về đấu giá trực tuyến quy định tại Điều 43b, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nghiên cứu bổ sung quy định trường hợp đấu giá trực tuyến thì biên bản cuộc đấu giá không cần chữ ký của đại diện người tham gia đấu giá và biên bản được lập sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Lý do là người tham gia đấu giá qua mạng nên không thể có ngay chữ ký sau khi kết thúc cuộc đấu giá. Để phù hợp với hình thức đấu giá trực tuyến nên cân nhắc quy định tổ chức đấu giá tài sản in kết quả trả giá tại cuộc đấu giá trực tuyến làm biên bản cuộc đấu giá, vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu giá trực tuyến, vừa đảm bảo tính chính xác của cuộc đấu giá trực tuyến.
Về việc liên kết tổ chức đấu giá tài sản nước ngoài để bán tài sản tư nhân tại Việt Nam, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung quy định cho phép các nhà đấu giá nước ngoài được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá trong nước để tổ chức các cuộc đấu giá tài sản tự nguyện của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Bởi vì trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, nhu cầu mua, bán tài sản tư nhân của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do thiếu các quy định về hoạt động của nhà đấu giá nước ngoài tại Việt Nam nên các nhà đấu giá này bán tài sản thông qua hình thức đấu giá trực tuyến. Điều này gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức Việt Nam có nhu cầu mua, bán tài sản tại thị trường nước ngoài như việc cá nhân, tổ chức Việt Nam có tiêu thụ, giới thiệu các mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gốm sứ ra thị trường thế giới.
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá.
Liên quan đến việc đăng ký tham gia đấu giá trực tuyến, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết, tại điểm 2, điểm 2b, điểm 2c khoản 2 Điều 38 có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở, tổ chức hành nghề.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, quy định này cũng cần phải cân nhắc thêm để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu tham gia đấu giá tiếp cận được, tránh tình trạng tổ chức đấu giá có khi lại làm trì hoãn tham gia đấu giá. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai thì chúng ta nên quy định là bán hồ sơ tại UBND cấp xã hay UBND cấp huyện có tài sản đấu giá, như thế sẽ rất thuận lợi cho người tham gia đấu giá và tránh tình trạng tổ chức đấu giá trì hoãn việc người tham gia đấu giá đến mua hồ sơ để tham gia đấu giá, trên thực tế đã có biểu hiện này. Trong dự thảo Luật có quy định về đăng ký trực tuyến nên Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ hơn kênh đăng ký tham gia đấu giá trực tuyến, bởi vì đây là một nội dung rất quan trọng để người tham gia đấu giá có thể đăng ký tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Giải trình rõ hơn về đấu giá trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Hiện có 3 thành phần là tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản và tổ chức Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được phép đấu giá thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia hoặc các trang thông tin điện tử của tổ chức mình hoặc thuê sử dụng trang thông tin điện tử của tổ chức hành nghề đấu giá khác. Vấn đề này cũng được đề cập rất rõ ràng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần công khai, minh bạch, công bố thông tin về việc đấu giá tài sản. Sự trục trặc kỹ thuật trong một số hoạt động đấu giá tài sản vừa qua có lẽ phải khắc phục bằng biện pháp kỹ thuật, phải nâng cấp, mở rộng cổng các trang thông tin đấu giá trực tuyến để làm sao các hoạt động đấu giá tài sản công khai, minh bạch trên Cổng thông tin quốc gia hoặc các trang thông tin đấu giá tài sản trực tuyến. Việc đăng ký tham gia đấu giá tiền đặt trước được nhiều đại biểu quan tâm, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật cũng sẽ tiếp thu để xử lý trong thời gian tới./.