Cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành quyết sách sát thực, phù hợp thực tiễn

03/10/2024

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng 03/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ đã tiếp xúc cử tri huyện Hương Khê.

Hà Tĩnh: Cử tri Lộc Hà kiến nghị nhiều nội dung sát thực tiễn đời sống

Dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn phát biểu

Tại hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ đã báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, dự kiến Kỳ họp được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 21/10 đến ngày 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024.

Nội dung kỳ họp tập trung xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến vào 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát tối cao các vấn đề quan trọng khác, trong đó có: quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ báo cáo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV

Phấn khởi với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ... cử tri huyện Hương Khê cũng bày tỏ sự hoan nghênh, phấn khởi khi theo dõi qua báo đài, các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia phát biểu ý kiến tích cực sôi nổi tại các phiên thảo luận những nội dung quan trọng.

Cử tri huyện Hương Khê phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, cử tri huyện Hương Khê đã phản ánh những vướng mắc, bất cập liên quan đến: quy định tự chủ đối với trung tâm y tế cấp huyện; quy định chức danh văn phòng đảng ủy cấp xã là bán chuyên trách; phụ cấp của chức danh bán chuyên trách cấp xã còn thấp, chưa tương xứng với công việc, trách nhiệm; bất cập trong quy hoạch rừng;… Nguy cơ sạt lở cao đối với một số cụm dân cư sinh sống sát đồi, rừng, do đó cần được quan tâm và có các giải pháp hỗ trợ trong công tác di dời…

Cử tri cũng phản ánh lưu lượng phương tiện có trọng tải lớn đi qua địa bàn huyện Hương Khê rất đông, trong khi tuyến Quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh nhỏ hẹp nên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông… Do đó, cần có các giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông, như các cấp, ngành quan tâm đầu tư tuyến Tỉnh lộ 553 nối Hương Khê đi về phía Đông Hà Tĩnh; vừa giảm lưu lượng phương tiện cho các tuyến Quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Hương Khê nói riêng và các địa phương nói chung…

Các đại biểu dự hội nghị

Tham gia ý kiến tại hội nghị, cử tri huyện Hương Khê đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; giao thẩm quyền hỗ trợ chính sách đối với cấp huyện. Cùng đó, xem xét điều chỉnh vay vốn chính sách giải quyết việc làm, xây dựng mô hình kinh tế đối với hộ trung bình và trung bình thấp tại vùng khó khăn do số hộ nghèo, cận nghèo đang giảm dần và chủ yếu là người già, người tàn tật, không có nhu cầu vay vốn… Đồng thời, đề nghị quan tâm chương trình phát triển lâm nghiệp, nhất là đối với các địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn; đánh giá đúng giá trị và tác động của cây keo tràm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó điều chỉnh Luật Lâm nghiệp và các quy định phù hợp hơn để bảo vệ môi trường sinh thái.

Cụ thể, đề nghị Bộ NN và PTNT xem xét, sửa đổi bổ sung quy định (tại khoản 2, Điều 12, Thông tư số 26/TT-BNNPTNT ngày 30.12.2022 và khoản 9, Điều 2, Thông tư 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15.12.2023 của Bộ NN và PTNT) chủ rừng trước khi khai thác phải xây dựng phương án khai thác, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và bổ sung quy định cụ thể việc khai thác đối với rừng sản xuất là rừng trồng, hạn chế việc khai thác trắng; quy định cụ thể về điều kiện, cách thức xây dựng đường lâm nghiệp; quy định cấm đốt thực bì sau khai thác (để hạn chế việc cháy rừng, hạn chế bị xói mòn, sạt lở đất, bồi lắng lòng hồ...).

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh phát biểu

Cử tri cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; xem xét bãi bỏ điểm i, khoản 1, Điều 159 Luật Đất đai và bổ sung nội dung “Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng” vào khoản 1, Điều 160 Luật Đất đai… Vì trong thời gian qua, việc xác định giá đất theo bảng giá đất để tính giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, bất cập…

Đáng chú ý, cử tri đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét đầu tư xây dựng hồ chứa Trại Dơi, xã Phú Gia, nhằm mục tiêu: giảm lũ cho vùng hạ du; bảo đảm ổn định tưới cho hơn 2.000ha đất sản xuất; cấp nước sinh hoạt 9.000m3/ngày/đêm; cải tạo môi trường sinh thái kết hợp nuôi trồng thuỷ sản…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn cảm ơn và ghi nhận các ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cử tri; đồng thời, giải đáp một số kiến nghị… “Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, xây dựng, ban hành quyết sách sát thực, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân”, ĐBQH Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn cũng khẳng định: Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)