Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật
Tăng cường quản lý nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 25 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách
Chiều 03/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đại biểu đại diện cho Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và các Bộ ngành, đơn vị hữu quan.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Đề cập về việc thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương cho biết, KTNN đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030, đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) các cấp phục vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán NSNN, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để thực hiện có hiệu quả KHKT năm 2024, ngay từ đầu năm, KTNN đã sớm ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động kiểm toán. Theo KHKT năm 2024, bên cạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách 33 Bộ (83%), cơ quan trung ương, 57 địa phương (90%), KTNN tổ chức kiểm toán một số chuyên đề bám sát nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Dự kiến, KTNN sẽ hoàn thành 100% KHKT năm 2024 theo đúng tiến độ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2023, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2025.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, KTNN xây dựng dự kiến KHKT năm 2025. Theo đó, dự kiến tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 05 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải đảm bảo: Kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung Báo cáo của KTNN liên quan đến công tác phối hợp công tác và các nhiệm vụ khác của KTNN 9 tháng đầu năm 2024. KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra tỉnh trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, cung cấp kết quả kiểm toán.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả hoạt động của KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị KTNN tiếp tục tăng cường công tác phối hợp và kịp thời cung cấp tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát..; Thực hiện tốt Nghị quyết số 141/2024/QH15 liên quan đến lĩnh vực kiểm toán; Quan tâm có ý kiến kịp thời về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Về Kế hoạch kiểm toán năm 2025, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí các nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2025 của KTNN. Đề nghị KTNN bổ sung nguyên tắc, định hướng tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa bảo đảm quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.
Các Bộ ngành tham dự Phiên họp
Về dự kiến KHKT năm 2025, đa số ý kiến cho rằng, dự kiến KHKT năm 2025 phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đồng thời nhiều địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả rất lớn do bão lũ gây ra để phục hồi phát triển kinh tế sau bão lũ.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng KHKT, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành để bảo đảm KHKT trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, hiệu lực.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; ĐBQH và đại diện các cơ quan đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: Công khai và công tác phối hợp cung cấp kết quả kiểm toán, thực hiện KHKT và một số nội dung khác.
Theo đó, có ý kiến của ĐBQH cho rằng, việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán năm 2024 được KTNN quan tâm, thực hiện đầy đủ theo quy định và yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội. Các báo cáo kiểm toán đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có giá trị cho các cơ quan của Quốc hội để phục vụ công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị KTNN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thời gian số hóa và sớm cung cấp báo cáo kiểm toán đã phát hành trên Cổng Thông tin điện tử của KTNN.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đối với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, có ý kiến đề nghị KTNN báo cáo bổ sung danh mục cụ thể các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của kiểm toán; Làm rõ nguyên nhân, trong việc chậm thực hiện các kiến nghị của KTNN; Báo cáo bổ sung việc thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN thời gian qua tác động như thế nào đến việc thực hiện kiến nghị của KTNN...
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: Qua 2 ngày làm việc, các nội dung được thẩm tra, đóng góp ý kiến tại Phiên họp đều được các thành viên Ủy ban, các ĐBQH nêu lên một cách kỹ lưỡng trên tinh thần làm việc nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cảm ơn những ý kiến, đề xuất của các thành viên Ủy ban, ĐBQH đối với các nội dung được đưa ra Phiên họp và đề nghị các Bộ ngành tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp; rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện các nội dung để Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 38 trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới./.