Cần đánh giá tác động cụ thể đối với quy định về phạm vi hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế

04/10/2024

Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có quy định mở rộng phạm vi hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Các đại biểu cho rằng quy định này cần được cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động cụ thể về quyền lợi và tài chính để đảm bảo tính khả thi và công bằng.

Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dự thảo Luật tập trung giải quyết các vấn đề có tính cấp bách để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, trong đó có các quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; chuyển từ 04 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 03 cấp chuyên môn kỹ thuật đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế về “khám bệnh, chữa bệnh bao gồm bao gồm khám bệnh, chữa bệnh từ xa” tại điểm a khoản 1 để phù hợp với các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 21 về phạm vi được hưởng liên quan tới vận chuyển người bệnh. Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định về vận chuyển người bệnh đối với một số đối tượng chỉ quy định vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên, vì vậy gây ra bất cập trong quá trình thực hiện khi người bệnh nội trú phải chuyển viện từ bệnh viện tỉnh trở lên hoặc chuyển về các bệnh viện tuyến dưới. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi điểm này để khắc phục bất cập trong thực tiễn và phù hợp với quy định chuyển người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, bổ sung đối tượng tại điểm b khoản 2 Điều 12 Dự thảo Luật được hưởng quyền lợi về vận chuyển người bệnh (Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày Tờ trình

Dự thảo Luật cũng bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21 về quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế nhằm đồng bộ với nội dung đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không có quy định cụ thể về việc quỹ bảo hiểm y tế thanh toán máu, chế phẩm máu, khí y tế. Tuy nhiên, trong thực tế đây là các sản phẩm thiết yếu, không thể thiếu trong quá trình điều trị cho người tham gia bảo hiểm y tế, việc thanh toán đang được quy định tại các văn bản dưới luật.

 Thêm vào đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 để bổ sung quy định giao Bộ Y tế quy định nguyên tắc, tiêu chí làm cơ sở xây dựng, cập nhật danh mục thuốc và ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, khí y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Khoản 2 Điều 21 Luật hiện hành đang giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế nhưng chưa giao Bộ Y tế quy định nguyên tắc, tiêu chí để làm cơ sở xây dựng danh mục tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc. Để việc xây dựng danh mục thuốc được khoa học, rõ ràng, công khai, minh bạch, đồng thời nhanh chóng, thuận tiện thì cần thiết có các tiêu chí cụ thể để bảo đảm cơ sở pháp lý khi thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật bổ sung đối tượng “sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu” (điểm b khoản 2 Điều 12) được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên để bảo đảm sự công bằng với những người khác đang được hưởng lương hưu, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo chưa quy định bổ sung đối tượng này vào trong dự thảo Luật hoặc nghiên cứu, đánh giá tác động, bổ sung toàn bộ đối tượng đang nghỉ hưu khác cũng được hưởng chính sách này.

Theo đó, hiện nay quyền lợi này chỉ áp dụng đối với một số đối tượng và chỉ áp dụng khi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên. Việc mở rộng chính sách như dự thảo Luật áp dụng khi chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh (không chỉ là từ tuyến huyện lên tuyến trên), cần được cân nhắc kỹ và có đánh giá tác động cụ thể về quyền lợi, về tài chính, về tính khả thi.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tính chất chuyên môn trong khám bệnh chữa bệnh đối với việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá phạm vi được hưởng trong trường hợp cấp cứu ngoại viện, khám chữa bệnh từ xa đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ để quy định chỉ thanh toán chi phí vận chuyển khi sử dụng “xe cứu thương hoặc xe vận chuyển người bệnh”;  làm rõ “xe vận chuyển người bệnh” để đảm bảo tính minh bạch cũng như tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu tại phiên họp

Đối với điểm c khoản 1 Điều 21 quy định quỹ bảo hiểm y tế chi trả “chi phí cho sử dụng máu, chế phẩm máu...”, các ý kiến cho rằng, các chi phí này đang được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, khoản 2 quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quy định... điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật...”. Do đó, một số ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu giải trình, làm rõ hoặc thiết kế lại nội dung này theo hướng tích hợp điểm c khoản 1 vào khoản 2 Điều này; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, qua theo dõi và tiếp xúc cử tri, các đại biểu phản ánh, cử tri cho rằng danh mục thuốc bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, do đó, đề nghị Bộ Y tế đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nếu có vướng mắc cần quy định mang tính nguyên tắc trong Luật để có thể tháo gỡ, đáp ứng quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Hồ Hương - Minh Thành