Toàn cảnh hội nghị
Tham gia hội nghị còn có đại diện 25 đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Hội đồng nhân dân 26 tỉnh thành, phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị ông Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh: Xây dựng và giải quyết hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động; góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là những vấn đề cốt lõi trong quản lý kinh tế, là mục tiêu hướng tới của nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của nước ta; luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm góp phần tạo ra động lực phát triển xã hội một cách bền vững. Để tiếp tục đưa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân vào cuộc sống; khẩn trương thể chế hóa các Nghị quyết gần đây của các Hội nghị Trung ương 5 và 6 của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội v... tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã bước đầu cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và người lao động trong cả nước như về cơ chế thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động; thời gian làm việc; độ tuổi nghỉ hưu; tổ chức đại diện của người lao động..., Và trong Phiên họp lần thứ 36 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Đặng Xuân Phương phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ luật Lao động được sửa đổi lần này (lần thứ 5 sửa đổi) có nhiều nội dung mới và khá toàn diện. Trong đó, có những vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến trong dư luận, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn, cả về chính trị lẫn các mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ hợp pháp của hàng chục triệu người lao động nước ta. Chính vì vậy, thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội lúc này là dịp tốt nhất để các vị đại biểu Quốc hội có điều kiện cân nhắc những vấn đề được Ban soạn thảo dự án Luật đưa ra với thái độ làm việc nghiêm túc và ý thức trách nhiệm cao nhất. Có những đề xuất trong dự án Bộ luật Lao động lần này là kết quả từ một quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, thể hiện ở nhu cầu tiếp tục nội Luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản đã được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra, sao cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.
Để giúp cho các vị đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các vị đại biểu dân cử, cử tri và người lao động về những vấn đề mà dư luận dành nhiều sự quan tâm vừa qua, Ban Công tác đại biểu đã lựa chọn chủ đề để tổ chức Hội nghị tập huấn gồm 04 nội dung chính, bao gồm: (1) Tổng quan về quyền của người lao động; (2) Phân tích chính sách đối với tổ chức đại diện cho người lao động; (3) Phân tích chính sách về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và điều kiện làm việc của người lao động; (4) Phân tích chính sách và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với giải quyết tranh chấp lao động.
Ông Đặng Xuân Phương cho biết: Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ được nghe các bài trình bày và làm việc với các báo cáo viên, là những chuyên gia có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật lao động và quan hệ lao động. Đặc biệt, tại hội nghị này các đại biểu cũng sẽ dành thời gian tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như: về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động; về giờ làm thêm; cơ chế hoạt động và mối quan hệ giữa hệ thống tổ chức Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp; những kiến nghị nhằm đổi mới cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và một số vấn đề khác
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 13 và 14/8/2019./.