VAI TRÒ, CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA NỮ ĐẠI BIỂU TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN DÂN CỬ

15/12/2018

Chiều 14/12, tại tỉnh Hà Nam, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội thảo vai trò, chất lượng hoạt động của nữ đại biểu trong các hoạt động của cơ quan dân cử ở Việt Nam Lý luận và thực tiễn.

Toàn cảnh hội thảo

Dự buổi hội thảo có TS.Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương; TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội; TS. Phạm sĩ Lợi, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước. Ngày nay, tiếp nối truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, thể hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý được coi là thước đo cơ bản về vai trò của phụ nữ trong nền chính trị hiện đại.

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ như: Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân là nữ trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ năm 2011-2016.

Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Từ những định hướng quan trọng như trên tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là Đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước. Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội (chiếm 40%) Chủ tịch Quốc hội là nữ. Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội chiếm 22,22% và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban là 6,45%; tất cả các Ủy ban đều có thành viên là nữ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ đại biểu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng vị trí thứ 2, chỉ sau Niu Dilân (29,2%), Việt Nam (26,7%). Tỷ lệ trung bình trong suốt những năm 1976-2007 khoảng 23%. Chưa có khóa nào tỷ lệ đại biểu nữ đạt 30% chỉ có Quốc hội khóa V (1975-1976) tỷ lệ đại biểu nữ đạt 32%. Do vậy để đạt được chỉ tiêu tới năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội từ 35% - 40% mà Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đề ra là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính trị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội; Phụ nữ còn gắn với thiên chức làm mẹ, chăm sóc con cái, gia đình và có thời gian gián đoạn công tác ảnh hưởng tới việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt đứng đầu cơ quan, đơn vị; việc gắn nhiều cơ cấu vào một đại biểu cũng ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng trúng cử của nữ đại biểu dân cử. Mặt khác một số quy định khác biệt giữa nam và nữ về độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội không chỉ là quan điểm, yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ, của cả xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, điều luật để tạo thuận lới nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội nói riêng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận sâu về vai trò, chất lượng hoạt động của nữ đại biểu từ lý luận đến thực tiễn của Việt Nam hiện nay, như: Hệ thống các văn bản của Đảng, Nhà nước đối với công tác cán bộ nữ, trong đó có nữ đại biểu dân cử; Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội; Những vấn đề thực tiễn trong hoạt động của nữ đại biểu dân cử. Nêu bật: vai trò của phụ nữ trong lịch sử, đóng góp của Phụ nữ với cách mạng Việt Nam, gia đình, xã hội và các hoạt động khác; những vấn đề cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Hiến pháp 2013 về phụ nữ; năng lực hoạt động của nữ đại biểu trong các kỳ họp của Quốc hội; đại biểu nữ tham gia giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; những hạn chế của nữ đại biểu hiện nay… Các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị điển hình như: Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, thiết chế cụ thể hơn để nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử; cần phá vỡ định kiến trọng nam, khinh nữ; phá bỏ tư duy định kiến phụ nữ là phái yếu,…. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, đánh giá, tham mưu để thời gian tới Đảng, Nhà nước có những giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội nói riêng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp./.

Hải Điệp