Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu. Buổi làm việc được thực hiện theo Kế hoạch số 4340/TTKQH-TH ngày 9/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kế hoạch làm việc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất, kiến nghị đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và căn cứ công văn số 4344/TTKQH-TH ngày 15/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo về thành phần, thời gian, địa điểm buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Công tác đại biểu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã đề cập một số đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, về công tác phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, để bảo đảm tính kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được qua các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội”, “tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”[i] (nhất là trong điều kiện nhân sự cụ thể của Hội đồng bầu cử Quốc gia, của cơ quan bầu cử các cấp và của bộ máy tham mưu, giúp việc thường có sự thay đổi cơ bản qua mỗi kỳ bầu cử, dẫn tới có sự lúng túng nhất định trong công tác triển khai bầu cử ở mỗi cấp), cần tiếp tục Nghiên cứu đổi mới công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cho các nhiệm kỳ tiếp theo, trong đó tập trung vào số nội dung:
Thứ nhất, cần kế hoạch hoá và thống nhất triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách. Khắc phục tình trạng có quá nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau cùng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng trùng lặp nội dung, thời gian và thành phần trong cùng một thời điểm, gây lãng phí không cần thiết.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới hoạt động của cơ quan, bộ phận thường trực công tác bầu cử; cải tiến chế độ chi tiêu phục vụ công tác bầu cử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hoá quy trình, thủ tục, hồ sơ, tài liệu phục vụ bầu cử; nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra hồ sơ ứng cử, thẩm tra tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề xuất cần chỉ đạo việc nghiên cứu đề xuất tiếp tục đổi mới chế độ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo hướng: mỗi nhiệm kỳ có 02 lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm thứ hai và năm thứ tư của nhiệm kỳ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được xem xét gắn với triển khai công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ. Thực hiện theo hướng này sẽ phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn cho phù hợp.
Về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Đảng đoàn Quốc hội: Tiếp tục rà soát hệ thống các nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động đối với đại biểu Quốc hội. Trong đó, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số chế độ bảo đảm hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng. Bên cạnh đó là hoàn thiện Quy chế hoạt động làm thành viên Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, thành viên các nhóm nghị sĩ (hữu nghị, trẻ, nữ…) đối với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động ở địa phương để tránh hình thức trong sinh hoạt của đại biểu.
Theo Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương phù hợp với hoạt động đặc thù của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tạo sự công bằng trong công tác khen thưởng đối với cán bộ, công chức gắn với công tác đánh giá cán bộ. Nghiên cứu quy định về thẩm quyền khen thưởng đối với đại biểu dân cử của cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi sửa đổi Luật Thi đua – Khen thưởng.
Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương để bám sát tiến độ trình Bộ Chính trị ban hành quy định về hệ thống chức danh tương đương trong hệ thống chính trị (năm 2020, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có tờ trình Bộ Chính trị về chế độ, chính sách và chức danh tương đương cho cấp Phó của các Ban thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội).
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.
Về công tác hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân: Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm ban hành kế hoạch giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, cần tập trung giám sát vào các nội dung chủ yếu: Công tác chất vấn, thảo luận phân bổ nguồn lực, bảo vệ tài nguyên và môi trường, kinh tế - xã hội của địa phương tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân; chương trình, kế hoạch giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; hoạt động của các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động của tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (giám sát, tiếp xúc cử tri…). Bên cạnh đó là cần giám sát về tổ chức, bộ máy, nhân sự thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân. Ngoài ra là cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân ở những địa phương thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường (Hà Nội) hoặc cả cấp phường và cấp quận (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tham mưu việc tổ chức đánh giá, tổng kết công tác tổ chức các hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực, từ đó có những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội nghị này; bổ sung vào Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phù hợp với khoản 1, Điều 55, Luật Tổ chức Quốc hội về chức năng giám sát, hướng dẫn Hội đồng nhân dân theo hướng “Giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực (6 tháng một lần)”. Chỉ đạo việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đại biểu Hội đồng nhân dân và theo dõi, tổng hợp các Nghị quyết, báo cáo và xử lý kiến nghị của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tập trung vào các nhiệm vụ. Thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội cần chỉ đạo xây dựng định hướng tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cần tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội để tiếp tục xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp hoặc khi đủ điều kiện thì đổi tên hoặc chuyển cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội thành cơ quan của Quốc hội. Trước mắt, nên cân nhắc giao cho một cơ quan làm đầu mối tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức bộ máy và nhân sự của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để rõ trách nhiệm.
Thứ ba, trong quá trình xem xét điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ thời gian tới đây, đề nghị Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ đã được quy hoạch, đào tạo ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để có điều kiện đề bạt phát triển tại chỗ, điều động sang các cơ quan Đảng, đoàn thể, Bộ, ngành trong Chính phủ hoặc luân chuyển về địa phương làm cán bộ chủ chốt để tiếp tục đào tạo.
Thứ tư, để tạo nguồn nhân sự có chất lượng và không bị động, tránh hụt hẫng nguồn cán bộ kế cận, khi xây dựng phương án nhân sự và tiến hành quy trình giới thiệu ứng cử đối với các chức danh đại biểu Quốc hội, cần có chính sách thu hút được một tỷ lệ nhất định những chuyên gia giỏi, có uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách (nên có chính sách kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số trường hợp đặc biệt nếu được giới thiệu ứng cử). Đồng thời, khi dự kiến giới thiệu nhân sự tiếp tục tái ứng cử hoặc thôi không tiếp tục tái ứng cử thì Đảng đoàn Quốc hội cần quan tâm, có phương án bố trí, sắp xếp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định bố trí, sắp xếp vào chức danh phù hợp đối với những đại biểu Quốc hội chuyên trách không đủ tuổi tái cử (nhất là cán bộ là sỹ quan biệt phái khi chuyển về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) để cán bộ yên tâm công tác.
Thứ năm, nghiên cứu cải tiến một bước chế độ quản lý nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách và hồ sơ nhân sự đại biểu Quốc hội nói chung.
Thứ sáu, sớm xây dựng quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.
Thứ bảy, tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ban Công tác đại biểu phù hợp với phương án nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV ở Trung ương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội quan tâm phối hợp với lãnh đạo Ban Công tác đại biểu bổ sung đủ nhân sự theo biên chế đã được phân bổ và kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với Vụ Công tác đại biểu và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.
Thứ tám, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng để ban hành Nghị quyết về Quy chế bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết về chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội./.