ĐBQH TẠ THỊ YÊN: CẦN TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA UBTVQH ĐỐI VỚI HĐND CÁC CẤP

23/02/2022

Theo ĐBQH Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, việc tăng cường phối hợp giữa UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh/Tp là rất quan trọng, phát huy tính chuyên môn sâu của các cơ quan của Quốc hội trong hỗ trợ ban hành chính sách ở địa phương trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 08 nội dung trong triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này với kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có lưu ý đến vấn đề chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV, để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ đối với Hội đồng nhân dân các cấp. Việc tăng cường phối hợp, mối quan hệ gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố là rất quan trọng, phát huy nhiệm vụ, chức năng chuyên môn sâu của các cơ quan của Quốc hội trong hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, ban hành chính sách ở địa phương trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.

 

Phóng viên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố. Đại biểu có thể cho biết quan điểm về những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra đó như thế nào và theo đại biểu đâu là nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai trong thời gian tới?

ĐBQH Tạ Thị Yên- Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tôi đánh giá cao những nhiệm vụ, giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra cho hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trong năm 2022. Có thể nói, Chủ tịch Quốc hội vừa nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động của HĐND các địa phương nhưng đồng thời của nêu lên những giải pháp căn cơ để HĐND các địa phương hoàn thành tốt trọng trách của mình trên cơ sở thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung theo luật số 47/2019/QH14 “ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ”.

Tôi đặc biệt quan tâm tới yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội đối với việc tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cả trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng như giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tham mưu chuyên môn tại Ban Công tác đại biểu, theo dõi về lĩnh vực hoạt động của HĐND các địa phương, tôi hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó có việc rà soát, hoàn thiện tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, với UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức và tôi coi đây là một trong những yếu tố quan trọng để hoạt động của HĐND các địa phương đạt kết quả cao nhất, đáp ứng mong mỏi của cử tri và đồng bào.


Đại biểu Tạ Thị Yên- Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Đối với nhiệm vụ xây dựng thể chế từ hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có lưu ý đến vấn đề chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố. Theo đại biểu, để nhiệm vụ, giải pháp này thực sự hiệu quả thì các địa phương sẽ phải đổi mới ra sao và phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện như thế nào?

ĐBQH Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trong xu thế chung của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương là phải chủ động trong công tác, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, HĐND các địa phương cơ bản đã chủ động hơn trong công tác hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương mình, cụ thể hóa các chính sách đặc thù Quốc hội đã thí điểm ban hành cho một số tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tôi thấy có nơi, có lúc còn chậm ban hành các chính sách để thực hiện các nội dung được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm. Đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, hay có những nội dung chưa được triển khai song không chỉ rõ nguyên nhân, có thể dẫn đến hiệu quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội chưa thật sự tạo động lực mới giúp các địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư để tạo bước đột phá trong phát triển như kỳ vọng khi thiết kế chính sách.

Do đó, tôi cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ đối với Hội đồng nhân dân các cấp. Việc tăng cường phối hợp, mối quan hệ gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, thành phố là rất quan trọng, phát huy nhiệm vụ, chức năng chuyên môn sâu của các cơ quan của Quốc hội trong hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, ban hành chính sách ở địa phương trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.

Phóng viên: Được biết đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này với kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố. Theo đại biểu, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các địa phương cần có sự phối hợp như thế nào để triển khai những giải pháp trọng tâm, nâng cao giám sát hoạt động của HĐND và nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề; nghiên cứu ban hành Quy chế khung cho HĐND?

ĐBQH Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Những vấn đề phóng viên nêu, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến chỉ đạo trong phát biểu bế mạc hội nghị, tôi xin không nhắc lại. Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ vẫn là vấn đề năng lực tổ chức hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố. Mà năng lực của tổ chức thì ngoài việc phụ thuộc vào thể chế, còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các đại biểu dân cử. Chính vì vậy, việc hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, nâng cao năng lực đại biểu dân cử ở địa phương luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Công tác đại biểu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ quan tâm cùng với các địa phương trong vấn đề nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố.

Các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị, chúng tôi sẽ nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối, theo chuyên đề hay tăng cường trao đổi kinh nghiệm hoạt động, … làm sao để các hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố.

Phóng viên:  Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác