Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả vấn đề tồn kho sản phẩm của các doanh nghiệp. Nghiên cứu, lựa chọn phân khúc một số nhóm sản phẩm để có biện pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp như: nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng, hàng thủy sản, hàng dệt may, điện tử...

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hải Dương   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 629/BCT-KH ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Năm 2013, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp khó khăn, thị trường trong nước sức mua suy giảm, ở thị trường ngoài nước, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta là Mỹ và EU đã gây nhiều khó khăn cản trở hàng Việt Nam vào các thị trường này, giá xuất khẩu hàng hoá giảm, tiêu thụ hàng hoá gặp khó khăn... đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chương trình đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ sản phẩm được Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh  nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra các nhóm giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp đó là:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển.

- Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và những hàng hoá trong nước đã sản xuất được.

-  Phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ hàng hoá và thúc đẩy sản xuất.

- Đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, tạo cơ hội tăng thị phần hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa...

Cho đến nay, các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã phát huy tác dụng tích cực và đạt những kết quả đáng kể, tình hình giải quyết hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có kết quả bước đầu, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã giảm dần và hiện đã ở mức bình thường; Tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp đã dần cải thiện với mức tăng trưởng khá, các Chương trình xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và nước ngoài được tích cực triển khai đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về nghiên cứu, lựa chọn phân khúc một số nhóm sản phẩm để có biện pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp như: nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng, hàng thủy sản, hàng dệt may, điện tử...

Trong thời gian qua, nhằm kích cầu tiêu dùng sản phẩm nói chung và nhóm các sản phẩm vật liệu xây dựng, hàng thuỷ sản, hàng dệt may, điện tử nói riêng được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm thông qua Chương trình xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Năm 2013, tại địa phương, các Sở Công Thương đã tổ chức được gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 24.000 gian hàng, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 1,78 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Ngoài ra, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, nhiều địa phương như Hà Nội, Tiền Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Phú Yên, Đồng Nai, Hải Dương, Ninh Thuận, Bắc Giang… đã lập các Quỹ xúc tiến thương mại, Quỹ Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch… hoặc bố trí ngân sách địa phương theo cân đối hàng năm, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh, thành phố. Các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương hỗ trợ chủ yếu các hoạt động như: Tổ chức hội chợ triển lãm tại địa phương hoặc tham gia hội chợ triển lãm ở trong nước và nước ngoài; Tổ chức hoặc tham gia đoàn khảo sát tìm kiếm thị trường, giao dịch thương mại trong và ngoài nước theo nội dung chương trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm xuất khẩu đặc trưng của tỉnh ở trong và ngoài nước; Nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp...

Các hoạt động xúc tiến thương mại tại tỉnh, thành phố từ nguồn ngân sách địa phương, doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa khác đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần nâng cao, thúc đẩy hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư tại các địa phương, nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao với hoạt động bên lề là các hội nghị, hội thảo kết nối giữa nhà sản xuất với nhà tiêu thụ tại các địa phương trên, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, quảng bá cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục các giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường, kích cầu tiêu dùng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp như sau:

- Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường, thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo cơ hội tăng thị phần hàng hoá của Việt Nam trên thị trường nội địa.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh... đồng thời có các giải pháp linh hoạt nhằm tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và thị trường đang có triển vọng phục hồi. Tập trung phát triển thị trường trong nước, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo...

- Đẩy mạnh hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng theo các mục tiêu, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại và củng cố, mở rộng hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại tại nước ngoài; tăng cường hoạt động quảng bá và bảo hộ thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam tại nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn.

- Nghiên cứu các cơ chế, chính sách liên quan đến tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trình Chính phủ ban hành nhằm kịp thời giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: