1. Về đầu tư trang thiết bị cho tuyến cơ sở:
Nghị quyết số 08/2007/QH12 ngày 12/11/2007[52] và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008[53] của Quốc hội cho phép sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu tư cho y tế, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, tạo bước đột phá trong đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, là các căn cứ pháp lý quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 (gọi tắt là Quyết định 47) và Quyết định 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013"(gọi tắt là Quyết định 930). Nội dung đầu tư gồm: (1) xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; (2) mua sắm trang thiết bị và (3) đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, cho các cơ sở y tế, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày một tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Có 811 bệnh viện/cơ sở y tế thuộc danh mục đầu tư, gồm 645 bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa liên huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực theo Quyết định 47, Quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ, và 166 dự án bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương theo Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 881/2010/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2008-2012 đã có 760 Dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó:
a) 594 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực, trong đó chỉ có một số ít xây dựng mới, còn phần lớn là cải tạo, mở rộng, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị. So với danh mục được đầu tư đạt 92% (594/645), còn 51 bệnh viện chưa được đầu tư, nguyên nhân là do vốn được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên phải xem xét, ưu tiên đầu tư tập trung, có trọng điểm, một số bệnh viện đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ vốn.
b) 166 dự án theo Quyết định 930, gồm: 51 bệnh viện đa khoa tỉnh, 48 bệnh viện chuyên khoa lao, 35 bệnh viện chuyên khoa tâm thần, 23 bệnh viện chuyên khoa nhi/sản nhi, 5 bệnh viện, trung tâm ung bướu và 3 bệnh viện và Trường Đại học Y dược Cần Thơ thuộc Bộ Y tế. Trong đó có 11 dự án thuộc Bộ Y tế và 155 dự án thuộc địa phương quản lý.
Số bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng:
a) Đối với các dự án tuyến huyện theo Quyết định 47: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/12/2011 có 353 bệnh viện huyện hoàn thành (trong đó có 152 bệnh viện hoàn thành toàn bộ và 201 bệnh viện hoàn thành một số hạng mục), có 70 phòng khám đa khoa khu vực đã hoàn thành. Dự kiến năm 2012 sẽ có 107 bệnh viện hoàn thành[54]. Như vậy, giai đoạn 2008-2012 đã hoàn thành 460 bệnh viện huyện (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai) và 70 phòng khám đa khoa khu vực.
b) Đối với các dự án 930: tính đến 31/12/2011 có 18 bệnh viện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Thuận, Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Ninh bình, bệnh viện Lao và bệnh phổi Ninh Bình, bệnh viện Tâm thần Hà Nam, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Điện Biên …, dự kiến hết năm 2012 sẽ có 55 bệnh viện hoàn thành[55]. Như vậy giai đoạn 2008-2012 có 73 bệnh viện đã hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó có bệnh viện hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục chính).
Trong 11 dự án do Bộ Y tế quản lý: Đã hoàn thành một phần dự án có: Bệnh viện Lao và bệnh phổi TW Phúc Yên, Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) và các hạng mục cơ bản của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Đối với các bệnh viện còn lại, trừ các bệnh viện xây dựng mới thì bệnh viện nào cũng hoàn thành được một số hạng mục như các nhà điều trị, khu kỹ thuật, mua sắm được một số trang thiết bị đưa vào sử dụng. Đối với các bệnh viện hoàn thành, Bộ Y tế và các tỉnh đã tập trung vốn cho các hạng mục xây lắp để hoàn thành sử dụng, nên tại hầu hết các bệnh viện này thì trang thiết bị vẫn còn thiếu so với quy định, vẫn còn nợ khối lượng xây dựng, vẫn còn một số phần việc chưa hoàn chỉnh như sân, đường nội bộ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế, ...
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015, thực hiện các Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 của Quốc hội, Nghị quyết 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc đầu tư cho các dự án này gặp phải nhiều khó khăn. Một số dự án phải giãn, hoãn, tiến độ; một số dự án phải tạm dừng để đầu tư sau năm 2015 hoặc phải chuyển đổi hình thức đầu tư.
2. Về tăng cường đội ngũ y bác sỹ, luân chuyển, điều động nhân lực cho tuyến cơ sở
- Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn tay nghề cao ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên, ngày 26/5/2008, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; và chuyển giao công nghệ kỹ thuật vào đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Đề án 1816 đã đạt được những kết quả tốt, và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Đã có khoảng 15 500 lượt cán bộ y tế Trung ương đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến tỉnh, đã chuyển giao được 5600 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể tự thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại, cứu sống người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho y tế tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên cho cán bộ y tế địa phương nên trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề của cán bộ y tế tuyến dưới ngày càng được nâng cao. Đề án đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viên tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ đã giảm được tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoản 30%.
Từ năm 2013, Đề án 1816 tiếp tục được triển khai với việc giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên tập trung tổ chức chuyển giao cho tuyến dưới các gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới, phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viên tuyến trên cũng như năng lực tiếp nhận của tuyến dưới.
- Nhằm quy phạm hóa việc thực hiện chế độ luân phiên của cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ kỹ thuật cho y tế tuyến dưới, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg, ngày 20/02/2013, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định rõ những người hành nghề y trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập có nghĩa vụ luân phiên xuống tuyến dưới từ 6-12 tháng.
- Để tiến tới cung cấp nguồn nhân lực bác sỹ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở, Bộ Y tế đang thực hiện "Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (ban hành tại Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Theo Dự án, các bác sỹ trẻ tốt nghiệp hệ chính quy, loại khá, giỏi có nguyện vọng tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo, công tác sẽ được bố trí về các địa phương trên cơ sở nhu cầu và thực tế ở các địa phương. Những bác sỹ tham gia Đề án được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ trong thời gian công tác tại vùng sâu, vùng xa; bước đầu thực hiện 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các huyện nghèo, vùng núi, biên giới hải đảo. Đối với nhiều sinh viên mới ra trường, đây là một lựa chọn tốt cho tương lai.