Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan. Đề nghị Bộ Công Thương và các ngành tăng cường kiểm tra để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hải Phòng    Vĩnh Phúc   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 626/BCT-KH ngày 22/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật thường bị giả mạo về nhãn mác, bao gói và chất lượng. Trong thời gian vừa qua việc đấu tranh, ngăn chặn các tiêu cực trong vi phạm pháp luật về bảo vệ và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng nói riêng đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo số liệu thống kê từ 22 tỉnh phía Nam (nơi lượng thuốc bảo vệ thực vật được lưu thông và sử dụng ước chiếm hơn 60% nhu cầu cả nước) cho thấy, các sai phạm ngày càng giảm, các loại thuốc giả phát hiện không nhiều, chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công, khối lượng nhỏ, hành vi vi phạm là thu gom chai thật, cho thuốc giả vào, cho vào túi xách đi xe máy bán lẻ cho các cửa hàng vùng sâu, vùng xa (thuốc Tilt 250ND, Tilt Super 300EC, Padan 95WP, Sofit 300EC,…). Thống kê từ năm 2009 - 2012 cho thấy, hàng năm số vụ buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả chỉ chiếm khoảng 0,4 - 0,8% các vụ vi phạm. Cụ thể: năm 2009 phát hiện, xử lý 7 vụ tại các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai; năm 2010, phát hiện, xử lý 12 vụ tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp; năm 2011, phát hiện, xử lý 18 vụ tại tỉnh Hải Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Tây Ninh; năm 2012, phát hiện, xử lý 5 vụ tại Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang; năm 2013 không phát hiện trường hợp nào buôn bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả.

Để bảo vệ nền sản xuất trong nước, góp phần đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:

a) Về cơ chế quản lý

- Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” từ nay đến năm 2020. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua, Chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để các lực lượng triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại, cụ thể là:

+ Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg theo hướng phát huy được ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới, hạn chế kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp thức hóa hàng nhập lậu;

+ Tiến hành sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA của liên bộ Tài chính - Công thương - Công an quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng giảm thời hạn xuất trình hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, để tại kho, bến, bãi xuống còn 24 giờ để các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu.

b) Về nâng cao năng lực thực thi công vụ của các lực lượng chức năng

- Ban Chỉ đạo 127/TW đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương theo hướng một Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban chỉ đạo 127/TW để phối hợp hoạt động giữa các lực lượng được tốt hơn;

- Trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo 127/TW, tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để phân công rõ hơn trách nhiệm của từng lực lượng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;

- Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ngoài việc tăng cường biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc cần chú trọng nhất là giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức, tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ và củng cố bộ máy cơ sở; tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.

c) Về kiểm tra, kiểm soát thị trường

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân;

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt các hành vi vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội trong việc phòng chống hàng giả.

- Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa - giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động của đối tượng, để đề ra các phương án đối phó kịp thời với các tình huống xấu có thể diễn ra;

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm: xác định các mặt hàng, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo từng tuyến, từng khu vực trọng điểm và giải pháp tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường công tác trinh sát, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, ngân hàng...; các đường dây, ổ nhóm lớn.

 Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân để chủ động phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: