Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng chế độ được hưởng BHXH tự nguyện như chế độ BHXH bắt buộc, để tạo sự công bằng giữa những người tham gia BHXH theo Luật BHXH; đồng thời xem xét lại ý tưởng sẽ nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động với lý do “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội”, bởi vì ý tưởng này không thuyết phục.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Tây Ninh   

Đơn vị xử lý: Ủy ban về các Vấn đề xã hội   

Lĩnh vực: Lập pháp   

Trả lời:

Tại công văn số 2783/UBVĐXH13 ngày 26/3/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

- Đề nghị xem xét, sửa đổi theo hướng mở rộng chế độ  được hưởng BHXH tự nguyện như chế độ BHXH bắt buộc, để tạo sự công bằng giữa những người tham gia BHXH.

Vấn đề này sẽ được nghiên cứu, trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, ban hành Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Mặt khác, do đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, do đó, trong điều kiện hiện nay, việc thiết kế chế độ hưởng BHXH tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và tử tuất là phù hợp với bản chất của loại hình bảo hiểm xã hội, phù hợp với đối tượng và có tính khả thi. Việc mở rộng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động đối với người tham gia BHXH tự nguyện là rất khó khăn, phức tạp và không có tính khả thi về tổ chức thực hiện chính sách, chế độ, thủ tục. Mặt khác, cũng dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng Quỹ như kinh nghiệm tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế (một bộ phận người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện là những người chỉ khi ốm đau, bệnh tật mới mua bảo hiểm y tế).

- Kiến nghị về tuổi nghỉ hưu, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội... 

Sẽ được  nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, ban hành Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong thời gian tới. Riêng về vấn đề bảo đảm cân bằng Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn là một trong những nội dung trọng tâm của việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội. Việc mất cân bằng quỹ BHXH chịu tác động của nhiều yếu tố ảnh hưởng (mức hưởng, điều kiện đóng – hưởng bảo hiểm xã hội…) ngoài ra còn phải cân nhắc toàn diện nhiều vấn đề chính sách khác như điều kiện sức khỏe của người lao động, vấn đề giải quyết việc làm, yếu tố dân số “vàng” và cải cách hành chính… Do vậy, Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ xem xét, cho ý kiến kỹ đối với quy định này trong quá trình xây dựng Luật bảo hiểm xã hội để đảm bảo đưa ra một phương án có tính khả thi, hiệu quả cao.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: