Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn 2009-2013, Nhà nước đã đầu tư trên 520 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn (chiếm 51,7% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ và tăng hơn 2,6 lần so với 5 năm trước).
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để tăng nguồn lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:
- Về chính sách huy động và tăng nguồn lực cho phát triển sản xuất: Chính phủ đã ban hành các Nghị định: số 02/2010/NĐ-CP ngày 8/1/2010 về khuyến nông, số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về phát triển giống cây trồng, vật nuôi, số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản, số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011)…
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, gần đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành bổ sung một số chính sách theo hướng ưu đãi hơn cho doanh nghiệp và nông dân như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các Quyết định: số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2012 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp,...
-Về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm lợi ích cho nông dân: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất xây kho chứa nông sản, hỗ trợ thu mua tạm trữ trong thời điểm thị trường khó khăn, giá giảm (thu mua lúa gạo, hỗ trợ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra,…), hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường;…Vì vậy, nhìn chung hàng hóa nông sản được tiêu thụ kịp thời với giá có lợi cho nông dân, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.
- Về xây dựng nông thôn mới: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định: số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 về nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 về bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới,... trong đó có các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn (bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, đường giao thông nông thôn,...) và đào tạo cán bộ làm công tác nông thôn mới...
Để tạo sự chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hiện hành về nông nghiệp, nông thôn để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung theo hướng khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia và đầu tư của tư nhân và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn.