Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri cho rằng công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua chưa chặt chẽ, nhiều loại lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trên thị trường đang bị lạm dụng hoá chất độc hại, các thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng người tiêu dùng. Cử tri đề nghị các Bộ, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, chất hóa học độc hại, nguyên liệu đã hết hạn sử dụng… trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm; tăng cường kiềm tra, kiểm dịch đối với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dung.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: TP Hồ Chí Minh   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Vệ sinh, an toàn thực phẩm   

Trả lời:

Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Để ngăn chặn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm lưu hành trên thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Công an, Hải quan và chính quyền địa phương tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong đó đã đưa ra chế tài xử lý mạnh nhằm hạn chế các vi phạm, trong đó đối với các hành vi vi phạm về sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn đều có mức phạt rất cao, đủ sức răn đe, mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn trong sản xuất thực phẩm bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Về phần mình, Bộ Y tế đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp như:

- Tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012, trong đó có các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý về ATTP, bao gồm việc phê duyệt và triển khai một số đề án quan trọng như: Đề án nâng cao năng lực truyền thông; Đề án cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ; Đề án phòng chống gia cầm nhập khẩu trái phép...

- Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó đã quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Tăng cường công tác thông tin- giáo dục- truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất (bao gồm nuôi trồng, chế biến, bảo quản, cung cấp) và người tiêu dùng thực phẩm.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, bao gồm cả xử lý hình sự.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: