Theo ý kiến phản ánh của cử tri thì chi phí cho thiết bị đồ dùng dạy học môn Anh văn rất cao và đòi hỏi đồng bộ từ bút thông minh, sách, máy nghe … phụ huynh học sinh không có điều kiện để trang bị cho các em, khi bị hư hỏng các thiết bị này nhà trường cũng không đủ kinh phí để mua lại, học sinh là người đồng bào dân tộc rất khó để tiếp cận với bộ môn này. Vì vậy, các mục tiêu của Đề án sẽ khó đạt được. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để có quy định linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng miền.
Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008-2020” (sau đây gọi tắt là Đề án). Trên thực tế, đến năm 2011, Đề án mới chính thức được phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện.
Đây là một trong những Đề án trọng điểm của Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó có cả những địa phương còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa; cho tất cả các cấp học; tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ và học sinh từ lớp 3 trở lên đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dạy tiếng nước ngoài theo chương trình của Đề án phải ưu tiên trước hết các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế, nên chỉ bắt đầu triển khai ở nơi nào có đủ điều kiện, nhất là các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và thời gian dạy – học; Những nơi chưa có đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị để đủ điều kiện triển khai Đề án. Các giải pháp để thực hiện là tổ chức rà soát, bồi dưỡng giáo viên để đạt chuẩn về năng lực tiếng và phương pháp giảng dạy; mua sắm trang thiết bị dạy học môn ngoại ngữ cần căn cứ vào mục tiêu chất lượng của Đề án,không yêu cầu quá hiện đại; thiết bị phải phù hợp và đồng bộ với nội dung chương trình, chỉ mua sắm khi đảm bảo khả năng sử dụng của giáo viên, kỹ thuật viên các thiết bị công nghệ thông tin phải kèm theo các nguồn học liệu điện tử và các chương trình để giảng dạy trên thiết bị này;phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời để được hướng dẫn chỉ đạo.
Về việc triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của tỉnh Quảng Trị: Ngày 25/8/2011, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 1014/KH-GDĐT trình Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 từ năm 2011 đến năm 2015. Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của tỉnh phù hợp với mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tổng kinh phí dự toán giai đoạn 2011-2015 là: 72.794.490.000đ, trong đó mua sắm trang thiết bị chiếm 50.000.000.000 đ.
Theo Công văn số 1562/GD ĐT-ĐANN ngày 11/9/2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị gửi Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 báo cáo tiến độ thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2013: Triển khai chương trình, sách giáo khoa ở các trường phổ thông theo kế hoạch; thực hiện rà soát, bồi dưỡng về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy tiếng Anh; mua sắm, sử dụng trang thiết bị dạy học môn ngoại ngữ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Đề án của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2011 đến năm 2013, đã phân bổ 18,872 tỉ đồng từ Ngân sách nhà nước để tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, qua theo dõi thấy rằng, ngay từ những năm đầu triển khai Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã triển khai diện rộng; mua sắm trang thiết bị chưa sát với thực tế ở những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, với đồng bào dân tộc; Đề nghị cần có sự điều chỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm giám sát việc triển khai, thực hiện Đề án của tỉnh nhà, đảm bảo hiệu quả, thiết thực chất lượng và tiến độ phù hợp với điều kiện của địa phương và các yêu cầu, mục tiêu của Đề án.