Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri phản ánh thương lái Trung Quốc sang nước ta thu mua tôm sú, tôm chân trắng một cách bất thường (giá cả thu mua tăng đột biến, thương lái không kiểm soát lượng kháng sinh trong tôm mà còn bơm kháng sinh vào tôm…) gây ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp sản xuất trong nước lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu…Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn tình trạng trên để hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp thủy sản trong nước và giữ vững thương hiệu thủy, hải sản Việt.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hà Nội   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 569/BCT-KH ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Trong năm 2012, hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản, thủy sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương có các biện pháp kịp thời ngăn chặn, hoạt động thu mua nông sản, thủy sản trái với quy định pháp luật của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã bước đầu được ngăn chặn, các hoạt động không còn diễn ra công khai, phổ biến, trên phạm vi rộng.

Trong năm 2013, tại một số thời điểm ở một số địa phương, lại bắt đầu xuất hiện hiện tượng người nước ngoài vào Việt Namthu mua nông sản, thủy sản, kể cả một số nông sản lạ (Khoai lang tím tại Vĩnh Long; Vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; Dừa tại tỉnh Bến Tre; Thịt lợn hơi tại tỉnh Đồng Nai và Bình Phước; Thân cây sắn tại tỉnh Phú Yên; Lá điều khô tại tỉnh Đồng Nai và Bình Phước...). Trong tháng 8, tháng 9 năm 2013, theophản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và VASEP, xuất hiện hiện tượng người nước ngoài thu mua các loại mặt hàng nông sản, thủy sản khác (Tôm sú, Tôm chân trắng tại các tỉnh, thành phố như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang; Đỉa, Ốc bươu vàng tại một số tỉnh Miền Tây, Hà Nội, Nghệ An; Lá cò ke, Hạt bo bo tại Nghệ An...).

Ngay khi có thông tin phản ánh, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai một số nội dung công việc cụ thể như sau:

-  Ngày 24 tháng 5 năm 2013, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Hà Nội, Hồ Chí Minh) phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thống kê, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân thu gom các mặt hàng nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng trên địa bàn (đặc biệt là các hàng hóa nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ); tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển, lối mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Ngày 17 tháng 9 năm 2013, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8300/BCT-TTTN yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau) phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và rà soát, đánh giá tình hình quản lý hoạt động thu mua thuỷ sản (trong đó có tôm nguyên liệu: tôm sú, tôm chân trắng) của thương nhân trên địa bàn (bao gồm cả thương nhân nước ngoài).

- Ngày 09 tháng 10 năm 2013, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 9166/BCT-TTTN yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia thống kê, rà soát hoạt động của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài kinh doanh thủy sản (trong đó có tôm chân trắng, tôm sú nhiều kích cỡ) thu mua và xuất khẩu qua biên giới trên địa bàn; phối hợp giữa các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về thương mại.

- Ngày 04 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương đã có Công văn số 10005/BCT-TTTN yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu mua nông sản, thủy sản bất thường trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản trên địa bàn.

- Đối với đỉa: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nghệ An đã chỉ đạo Chi Cục quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ công tác kiểm tra, kiểm soát. Đến nay trên địa bàn không còn hiện tượng người dân tham gia bắt và thu gom đỉa.

- Đối với ốc bươu vàng: tại một số địa phương, Sở Công Thương đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn tiến hành kiểm tra. Cho đến nay không phát hiện người nước ngoài thu mua ốc bươu vàng. Đối tượng thu mua ốc bươu vàng là người Việt Nam, phần lớn thu mua để làm thức ăn cho cá, quy mô nhỏ và hoạt động theo thời vụ.

- Đối với tôm và cá cơm: đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Thừa  Thiên - Huế và Kiên Giang có hiện tượng cá nhân người nước ngoài tổ chức việc thu mua trái phép các loại thủy sản để xuất khẩu sang Trung Quốc (tại Thừa Thiên - Huế có 2 người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc tổ chức thu gom thủy sản trái phép và đã bị Công an Thừa Thiên - Huế tiến hành trục xuất; tại Kiên Giang các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 người mang quốc tịch Trung Quốc đang thu mua cá cơm sấy, 5 người mang quốc tịch Trung Quốc đang thuê nhà người dân tại thị trấn Đông Dương để đi thu mua cá cơm sấy...). Các cá nhân người nước ngoài này đã lợi dụng hộ chiếu du lịch đứng sau các thương lái Việt Nam để tổ chức thu mua thủy sản trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, các cá nhân người nước ngoài thông qua các thương lái người Việt Nam vào tổ chức thu mua nông sản, thủy sản trái phép, không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam đã bị chính quyền địa phương trục xuất theo quy định của pháp luật. Đồng thời các cấp chính quyền tại địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, các cơ quan ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn, trên cơ sở đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo bình đẳng, hợp pháp trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo lợi ích cho người nuôi trồng. Đến nay, tình hình hoạt động thu mua nông sản, thủy sản về cơ bản đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, hiện tượng lợi dụng mở cửa, con đường du lịch, thâm nhập vào Việt Nam lén lút hoạt động thu mua nông sản, thuỷ sản vẫn có thể diễn ra.Để giải quyết những vấn đề nêu trên có hiệu quả và căn cơ hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai một số công việc cụ thể như sau:

- Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường ở các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất hàng nông sản - thực phẩm;

- Chủ động phối hợp với các Tổng công ty, Hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu đối với hàng nông sản, thủy sản;

- Thường xuyên nắm tình hình hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ... để kịp thời phản ánh khi có hiện tượng bất thường; tăng cường phối hợp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam qua đường các cửa khẩu đường bộ; đề xuất các cơ chế điều hành, quản lý cần thiết để kiểm soát tốt hơn hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới; tham gia tổ chức hệ thống phân phối từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới;

- Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc (nhất là Nam Ninh và Côn Minh) và các nước trong khu vực để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững, lâu dài đối với sản phẩm nông sản, thuỷ sản; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp để xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng (cá tầm, cá trê, cá lóc, ếch, tôm …) của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng).

- Tăng cường hoạt động kết nối giữa vùng sản xuất nông sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn; đồng thời tổ chức lại hệ thống phân phối hàng nông sản - thực phẩm theo hướng hiệu quả, thiết thực nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất hàng nông sản - thực phẩm và người tiêu dùng;

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện Thông tư số 28/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.

Với những nỗ lực trên của Bộ Công Thương và sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành các địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp, hy vọng rằng thời gian tới, tình trạng thương lái nước ngoài vào Việt Nam mua nông sản, thuỷ sản sẽ được kiểm soát tốt hơn, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: