Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn không giảm, tỉ lệ học sinh khá, giỏi ở bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực chất về chất lượng của giáo dục; khối lượng kiến thức ở các cấp học chưa phù hợp với từng lứa tuổi, chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách, đạo đức và kiến thức thực tiễn; tình trạng dạy thêm, học thêm còn phổ biến. Đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế các tình trạng trên, nâng cao chất lượng giáo dục.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Đà Nẵng   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chất lượng giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số 800/BGDĐT-VP ngày 25/ 02/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Hiện nay, căn bệnh “thành tích” trong ngành giáo dục vẫn tồn tại ở một số tỉnh, thành phố, ở một số trường học. Để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra môi trường học tập nghiêm túc ở các trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với nhiều giải pháp tích cực:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện để phân loại học sinh có học lực yếu kém, các giải pháp để khắc phục tình trạng học sinh yếu kém vẫn được cho lên lớp; thực hiện cuộc vận động “Hai không” của ngành Giáo dục; tăng cường chấn chỉnh tình trạng gian lận trong thi cử, tuyển sinh, giảng dạy và học tập; phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tạo ra môi trường giáo dục tốt.

- Nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo dạy và học của các Sở Giáo dục và Đào tạo để có chỉ đạo linh hoạt, phù hợp với thực tế. Chủ động điều chỉnh về thời lượng, giãn thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục, hướng dẫn tích hợp một số môn học, hoạt động giáo dục; tăng quyền chủ động cho địa phương về thực hiện kế hoạch giáo dục.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động, phối hợp giữa các lực lượng xã hội với nhà trường đối với việc học tập của học sinh.  

- Tăng c­ường kỷ c­ương trong hoạt động giáo dục, chống tiêu cực trong thi cử, đánh giá và bệnh chạy theo thành tích làm ph­ương hại đến chất l­ượng giáo dục đích thực; thực hiện 3 công khai (tài chính, chất lượng, cơ sở vật chất).

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục: Tổ chức rà soát, đánh giá chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh những nội dung cần thiết nâng cao chất lượng chương trình. Tích cực xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện; củng cố, phát triển hệ thống trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học; phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú để thu hút học sinh dân tộc thiểu số ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, đến học tập; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục; xóa dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, công bằng trong đánh giá; tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện đánh giá định kỳ đối với các cấp học, lớp học.

- Củng cố, kiện toàn các trung tâm, phòng khảo thí để tăng cường quản lý nhà nước về thi tốt nghiệp, cải tiến phương pháp ra đề thi, kiểm tra theo hướng phát huy được tư duy sáng tạo của học sinh; đổi mới công tác quản lý đối với giáo dục.

- Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn quy định.

- Đổi mới công tác Thi đua – Khen thưởng theo hướng đảm bảo đánh giá đúng thực chất chất lượng học sinh, nhà trường và các cơ sở giáo dục.

- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục, kết hợp đánh giá trong và đánh giá ngoài; tăng cường các hoạt động khảo thí và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính.

2. Về vấn đề kiến thức ở các cấp học còn nặng: Trên cơ sở rà soát chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm các nội dung để giáo viên, học sinh dành thời gian cho các hoạt động khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình, giảm những nội dung trùng lặp trong chương trình, sách giáo khoa của nhiều môn học khác nhau, trùng lặp ở lớp dưới và lớp trên, nội dung yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, sắp xếp chưa hợp lý, nội dung mang đặc điểm địa phương không phù hợp với tất cả các vùng miền khác nhau.

Rà soát chương trình, sách giáo khoa các cấp học, các môn học, xây dựng các chủ đề liên môn, biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo mô hình trường học mới....

Tổ chức tốt các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống và cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; Cuộc thi dạy các chủ đề tích hợp dành cho giáo viên nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng năng lực, đổi mới hình thức tổ chức dạy học trong lớp và ngoài lớp nhằm giảm áp lực, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XI với mục tiêu:  ”Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lưa tuổi, trình độ và ngành nghề, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân...”

3. Về việc khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định

Nhằm tăng cường quản lý, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về dạy thêm học thêm theo Thông tư số 17/2012/TT- BGDĐT, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học:

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, sự phối hợp hài hoà trong nhân dân và cha mẹ học sinh để dạy thêm, học thêm có thể phát huy được những mặt tích cực, khắc phục mặt tiêu cực.

- Phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hiện tượng sai trái, vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém.

-Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh; tạo ra sự chuyển biến cơ bản về tổ chức hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông; chỉ đạo điểm mô hình trường phổ thông đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục.

- Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

- Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn ở trường; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học và cải tiến chế độ kiểm tra, thi cử, đánh giá.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: