Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Trong thời gian qua, tuy Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình các nạn nhân. Cử tri kiến nghị các Bộ, ngành hữu quan cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn, giảm bớt tai nạn giao thông.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Ninh Thuận   

Đơn vị xử lý: Bộ giao thông - vận tải   

Lĩnh vực: An toàn giao thông   

Trả lời:

Tại công văn số 1226/BGTVT-ATGT ngày 08/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Dưới sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài và cấp bách để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, năm 2012, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả 03 tiêu chí: cả nước đã xảy ra 36.409 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.849 người, bị thương 38.064 người. So với năm 2011,tai nạn giao thông giảm 7.490 vụ (-17,06%); giảm 1.647 người chết(-14,33%); giảm 9.527 người bị thương (- 20,02%).Năm 2013, năm thứ hai liên tiếp TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí và số người chết do TNGT dưới 10.000 người. Tính từ ngày 16/12/2012 đến ngày 15/12/2013, cả nước xảy ra 29.385 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012, giảm 1.610 vụ            (-5.19%), giảm 55 người chết (-0,58%), giảm 3.045 người bị thương (-9,36%). Như vậy cùng với cả hệ thống chính trị, ngành GTVT đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông 2013 với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các giải pháp “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), dần dần tạo ra sự đồng thuận cho người dân khi tham gia giao thông.

Phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông thì hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân trực tiếp từ ý thức của người tham gia giao thông vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Các giải pháp hữu hiệu bảo đảm TTATGT trong thời gian tới:

Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm sau:

1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT

Tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực hiện quy tắc giao thông; điều kiện của phương tiện, người tham gia giao thông theo hướng quy định rõ hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung; quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc phải tự giác tuân thủ các quy định về TTATGT.

Trong năm 2014, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung rà soát ngay các văn bản quy phạm pháp luật đã nêu trong Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT; chủ yếu tập trung nghiên cứu ban hành bổ sung theo thẩm quyền các văn bản liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm TTATGT

 - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua đã được Bộ GTVT chú trọng và thực hiện trên nguyên tắc kịp thời, thường xuyên, có trọng điểm, đa dạng về hình thức. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch hàng năm cũng như kế hoạch dài hạn thực hiện theo Đề án “Đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông giai đoạn 2012 - 2016 của Bộ GTVT”. Chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Website của Bộ GTVT đã được sử dụng có hiệu quả, được người dân quan tâm, là một kênh để Bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.

- Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu Hỏi đáp pháp luật về an toàn giao thông trên Website của Bộ và tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014.

3. Nâng cao công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

- Quy định về tiêu chuẩn, định mức quản lý, bảo trì KCHTGT còn một số bất cập, có mặt chưa phù hợp, chưa theo kịp với những thay đổi của ngành GTVT và các quy định mới hiện hành. Nguồn vốn dành cho bảo trì KCHTGT còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, làm cho các công trình giao thông đưa vào khai thác xuống cấp sớm. Nhằm khắc phục những bất cập trên, Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành đã xây dựng một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo trì KHCTGT cụ thể như sau:

- Ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật và đề án về công tác quản lý bảo trì như: Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về “Quỹ bảo trì đường bộ” nhằm tạo nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ; Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/12/2012 liên tịch Bộ Tài chính, Bộ GTVT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ; Thông tư số 11/2012/TT-BXD ngày 25/12/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình; quy định về lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTGT sử dụng nguồn vốn nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại Quyết định 3111/QĐ-BGTVT ngày 03/12/2012; phê duyệt đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ tại Quyết định số 538/QĐ-BGTVT ngày 06/3/2013.

- Ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT chỉ đạo và đang từng bước triển khai nhằm xoá bỏ các vị trí điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông. Triển khai rà soát, xử lý các hư hỏng nền, mặt đường tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt và quốc lộ. Đặc biệt, từ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động năm 2013, công tác bảo trì, bảo dưỡng đường đã được cải thiện, bảo đảm mặt cầu, đường êm thuận; công tác tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung, nâng cấp hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, giải phân cách, tách luồng xe ô tô và xe máy được quan tâm. Bộ GTVT cũng đã và đang đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát tải trọng xe; đã triển khai xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra tải trọng xe lưu động trên một số tuyến quốc lộ.

- Tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác bảo trì, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là nạo vét, duy tu, nâng cấp các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước...

4. Đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ các trạm thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ

Thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng phương án sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ, đảm bảo không để phí chồng phí, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho xóa bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định việc xóa bỏ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 sau khi có Quỹ Bảo trì đường bộ đã được thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, trên QL.1 không còn trạm phí thu nộp ngân sách, chỉ còn các trạm thu phí của các dự án BOT đường bộ như đoạn qua khu vực Nam Trung Bộ dài 605km (Km904+800-Km1525), có 6 trạm thu phí cho các dự án BOT (trạm thu phí Nam hầm hải Vân tại Km11+900 đường Hầm Hải Vân; trạm thu phí Hòa Phước tại Km941+900 thu phí cho dự án BOT Hòa Cầm-Hòa Phước (đoạn km933-km947/QL1); trạm thu phí Tam Kỳ tại Km997 thu cho dự án tuyến tránh qua thành phố Tam Kỳ; trạm thu phí Bàn Thạch tại Km1350 thu phí cho dự án Hầm Đèo Cả; trạm thu phí Ninh An tại km1407 cho dự án BOT đèo Cả; trạm Cam Thịnh km1517 thu phí cho dự án BOT Phan Rang-Tháp Chàm). Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức rà soát và sắp xếp lại một số trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT cho phù hợp với quy định và cho di dời một số trạm thu phí chưa hợp lý.

5. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm

 - Bộ Giao thông vận tải trực tiếp thành lập các Đoàn kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các địa phương đồng thời chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là tuyến Bắc-Nam;

- Phối hợp với Bộ Công an tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của lái xe khách, tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT như chạy quá tốc độ quy định, lấn đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định, trọng điểm là trên các tuyến QL1, 5, 14, 18, 51, đặc biệt khu vực miền trung từ Nghệ An đến Quảng Trị, Phú Yên đến Bình Thuận; tăng cường hoạt động kiểm tra trong khoảng thời gian từ 22h00 đến 05h00 sáng; xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, trọng điểm là trên các tuyến QL1, QL3, QL5, QL70, QL20, QL14; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe, trước mắt là đầu tư một số trạm cân di động để ngăn chặn tình trạng xe quá tải gây nguy hiểm đến TTATGT.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: