- Luật bảo vệ môi trường hiện hành và Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đều có quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất phải thực hiện đúng quy chuẩn môi trường mới cấp phép hoạt động. Ngay từ khi xây dựng, các dự án (tùy theo quy mô) sẽ phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường nhằm dự báo mức độ rủi ro của dự án đến môi trường, đề xuất biện pháp giảm thiểu và xử lý tác động xấu… nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn quy định các cơ sở sản xuất phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đây là công cụ quản lý môi trường trong quá trình cơ sở đi vào hoạt động, tạo sự chủ động và nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường giám sát, thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất.
- Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định rõ thẩm quyền thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan quản lý về môi trường các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở khi để hành vi gây ô nhiễm môi trường, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phân công, phân cấp về quản lý môi trường giữa các Bộ, ngành và địa phương của Luật bảo vệ môi trường năm 2005.
- Ngày 14 tháng 11 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định 117/2009/NĐ-CP), trong đó tăng mức phạt tiền tối đa từ 500.000.000 đồng lên 2.000.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm của tổ chức, đồng thời quy định các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng các hình thức khắc phục hậu quả nhằm xử lý nghiêm khắc các cơ sở có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đối với trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lâu dài có thể bị áp dụng hình thức xử lý buộc di dời hoặc cấm hoạt động theo quy định tại Điều 57 Nghị định nêu trên.