Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của BLHS thì yếu tố định lượng về tài sản, tỷ lệ thương tật là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm và cũng là yếu tố định khung hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Tại lần sửa đổi BLHS năm 2009, các mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt đã được nâng từ 500.000đ lên 2.000.000đ; do mức định lượng cũ là quá thấp, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như chưa phản ánh được yêu cầu thực tiễn đấu tranh chống tội phạm. Việc nâng mức định lượng tối thiểu làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự là xác định lại một cách sát thực tế hơn những hành vi nguy hiểm cho xã hội tới mức phải xử lý về hình sự, góp phần phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, tại Điều 138 (tội trộm cắp tài sản) của BLHS quy định nếu người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000đ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm thì cũng bị xử lý hình sự. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và đúng pháp luật các hành vi trộm cắp tài sản. Đồng thời, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án BLHS (sửa đổi) thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu để đề xuất xem xét việc điều chỉnh về mặt định lượng trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi trên.
Về đề nghị xem xét hạ tỷ lệ thương tật xuống thấp hơn (từ 11% xuống 7%) để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Ủy ban tư pháp nhận thấy tỷ lệ 11% vẫn đang được BLHS hiện hành quy định, việc giảm tỷ lệ từ 11% xuống còn 7% sẽ được Ủy ban tư pháp nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi BLHS trong thời gian tới.