Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay, đạo đức học đường của một bộ phận học sinh đang xuống cấp, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, có những vụ án nghiêm trọng do học sinh gây ra làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây mất an ninh trật tự địa phương. Sự xuống cấp về đạo đức của học sinh hiện nay có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về nhiều ngành, tổ chức, cá nhân, trong đó có trách nhiệm không kém phần quan trọng từ môi trường và nội dung giáo dục trong nhà trường hiện nay. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nội dung sách giáo khoa để giảng dạy môn Đạo đức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12; đồng thời, nghiên cứu để có phương pháp hiệu quả trong giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, nhất là các môn liên quan đến giáo dục “làm người” của học sinh nhằm khắc phục có hiệu quả tình trạng trên.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Tiền Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chương trình giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số 956/BGDĐT-VP ngày 05/ 3/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Đạo đức, lối sống của học sinh được hình thành từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nhận thức được vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức học sinh cả trong môn học chính khoá và các hoạt động ngoài giờ lên lớp: Thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp dạy học môn Đạo đức (cho học sinh tiểu học), Giáo dục công dân (cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức - công dân hiện hành về cơ bản, đã đáp ứng được mục tiêu môn học, đã chú trọng đến giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật gắn với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đã kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học;Đã thực hiện việc kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề thuộc môn học quy định trong chương trình và đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung môn Giáo dục công dân;Đổi mới việc ra đề kiểm tra gắn với việc xây dựng ma trận câu hỏi; nội dung đề kiểm tra đã từng bước gắn với việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn,...

Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy, nội dung một số bài trong chương trình giáo dục đạo đức – giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội, địa phương; phương pháp giảng dạy của một số giáo viên còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh; Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa có nơi còn mang tính hình thức, áp đặt, chưa tạo được lôi cuốn, chủ động tham gia của số đông học sinh.

Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, BộGiáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn sau 2015 để trình Chính phủ phê duyệt.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, lĩnh vực giáo dục Đạo đức-Công dân sẽ được đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống của công dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nội dung chương trình mới sẽ tăng cường tích hợp các nội dung về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, với văn hóa, giáo dục quốc phòng,an ninh, giáo dục giá trị công dân qua các giá trị lịch sử dân tộc,… tích hợp các nội dung được lựa chọn từ những bài học lịch sử dựng nước và giữ nước; tinh hoa truyền thống đạo đức và đạo lý dân tộc; những hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, về nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang và nghệ thuật quân sự, phòng thủ quân sự, kĩ năng quân sự, nghĩa vụ quân sự…

Nội dung giáo dục đạo đức-công dân còn được tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các môn học khác như: Tiếng Việt, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu Tự nhiên, Tìm hiểu Xã hội (cấp Tiểu học); Ngữ văn, Khoa học Xã hội, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật (cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông).Trong giáo dục đạo đức-công dân, coi trọng tính thuyết phục để học sinh thấy đúng, thấy hay mà tin theo, làm theo, giúp các em dần dần hình thành những phẩm chất và năng lực của người công dân tích cực, tự giác, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đổi mới phương pháp dạy học giáo dục đạo đức-công dân theo hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả các quan điểm dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường sử dụng các tình huống, các sự việc, các vấn đề, hiện tượng thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với đời sống học sinh để phân tích, đối chiếu, minh họa vừa có sức hấp dẫn, vừa nhẹ nhàng, hiệu quả.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: