Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp từ đô thị đến nông thôn, hàng hóa đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại, giá cả thấp gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính trong nước như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, mũ bảo hiểm, bột ngọt, đường… Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội trong khi mức xử phạt như hiện nay là quá thấp không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Đề nghị Bộ Công Thương với vai trò chủ đạo phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…có giải pháp mạnh mẽ khắc phục vấn nạn này.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Nghệ An    Long An    An Giang    Cần Thơ    TP Hồ Chí Minh    Ninh Thuận    Tiền Giang    Sóc Trăng    Hà Nam    Ninh Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 624/BCT-KH ngày 22/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Hiện nay, các quy định pháp luật về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượngvề cơ bản đã đầy đủ và thống nhất. Theo quy định tại Nghị định 08/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hàng giả đã được nâng lên (trung bình gấp từ 2 đến 4 lần trị giá hàng hóa vi phạm); tại Điều 7 của Nghị định 08/2013/NĐ-CP và Điều 156 của Bộ Luật hình sự đã quy định cụ thể: đối với hàng hóa vi phạm có trị giá trên 30 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tệ nạn hàng giả được đánh giá là một trong những thách thức lớn đối với các quốc gia, kể cả những nước phát triển. Hiện nay, nguồn lực nhà nước và xã hội còn hạn chế nên công tác đấu tranh chống hàng giả gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tình trạng hàng giả trên thị trường có nguồn gốc nước ngoài có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Hàng giả sau khi vào thị trường trong nước sẽ phân tán và được bày bán nhỏ lẻ, do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính rất khó ngăn chặn triệt để. Trong khi đó, việc áp dụng chế tài hình sự cũng gặp rất nhiều khó khăn do các vi phạm chủ yếu diễn ra trên khâu lưu thông, các đối tượng vi phạm luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng (chẳng hạn việc các đối tượng hợp thức hóa hoặc chia nhỏ hàng hóa vi phạm để tránh chế tài xử lý hình sự).

Cùng với việc tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian tới, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ tiếp tục tiến hành rà soát và đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện thể chế thực thi, cơ chế phối hợp, nâng cao chế tài xử phạt, từ đó, huy động tối đa nguồn lực của các lực lượng thực thi trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân để chủ động phòng tránh hàng giả.

- Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn 2013 - 2020 khi được Chính phủ ban hành. Trong đó, tập trung vào các nội dung đào tạo, tập huấn cho các cơ quan thực thi, các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Hướng dẫn lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai thực hiện  Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại trong đó có các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả; tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn;

- Tiếp tục chỉ đạo các Chi cục quản lý thị trường địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn; chú trọng các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm (sữa, đồ uống có cồn, nước uống đóng chai), hàng tiêu dùng, mũ bảo hiểm, thuốc lá, thương mại điện tử.... Chỉ đạo triển khai công tác thực thi thống nhất nhằm tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường. 

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng giả để phục vụ công tác chuyên môn đồng thời hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc phòng chống hàng giả;

- Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề/ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác thực thi.

- Tổ chức phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt các hành vi vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội trong việc phòng tránh hàng giả.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: