Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tại Tờ trình số 8339/TTr-BCT ngày 18 tháng 9 năm 2013, Tờ trình bổ sung số 10375/TTr-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2013. Ngày 11 tháng 12 năm 2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10495/VPCP-KTTH yêu cầu một số Bộ, cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến và gửi góp ý về Bộ Công Thương để Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp nhận, nghiên cứu các văn bản góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự thảo Nghị định điều chỉnh chu kỳ tính giá cơ sở là bình quân 15 ngày/một lần (Nghị định số 84/2009/NĐ-CP hiện đang quy định chu kỳ tính giá cơ sở là bình quân 30 ngày) sẽ làm cho giá bán lẻ phản ánh sát hơn xu hướng giá thế giới, qua đó sẽ có các bước điều chỉnh giá hợp lý hơn. Ngoài ra, bên cạnh phương thức phân phối xăng dầu qua đại lý như hiện nay, Dự thảo Nghị định bổ sung 2 phương thức phân phối mới là “mua đứt bán đoạn” và nhượng quyền thương mại và có những quy định chặt chẽ đối với 2 phương thức mới này. Việc bổ sung 2 phương thức mới về phân phối xăng dầu (mua đứt bán đoạn, nhượng quyền thương mại) sẽ làm đa dạng hóa kênh phân phối xăng dầu, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu và khiến cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu liên tục phải đổi mới nhằm giảm thiểu chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu, thu hút người tiêu dùng; qua đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn, người dân được sử dụng xăng dầu với giá cả hợp lý, quyền lợi được bảo đảm.
Dự thảo Nghị định còn quy định rõ về việc công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Theo đó quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính) và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán hiện hành, Quỹ Bình ổn giá… qua đó, người dân, nhà nghiên cứu có thể nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát công tác điều hành của nhà nước, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.