Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có chứa hóa chất độc hại tiếp tục diễn biến phức tạp, hiện tượng sử dụng hóa chất, chất cấm, chất phụ gia có nguồn gốc từ Trung Quốc trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định tăng lên ngay cả tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây bức xúc trong dư luận.
Các mặt hàng củ, quả chủ yếu là khoai tây và các loại trái cây vẫn được nhập nhiều từ Trung Quốc, hàng nhập khẩu chính ngạch thường đi qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn và được các cơ quan như Hải quan, cơ quan Kiểm dịch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên có một lượng hàng hóa không nhỏ đi qua các đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát chất lượng.
Theo phân công của Chính phủ, chốt chặn tại biên giới và cửa khẩu để ngăn chặn các hàng hóa vi phạm có xuất xứ từ nước ngoài là lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng; lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng công an và các cơ quan thanh tra chuyên ngành (Khoa học và Công nghệ; Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) kiểm tra, xử lý các vi phạm trong nội địa.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác thực thi đối với lĩnh vực này. Trong năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 19.836vụ việc về an toàn thực phẩm, xử lý 9.934 vụ vi phạm, tổng số thu phạt gần 13,7 tỷ đồng; lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện 2003 vụ vi phạm với 879 tổ chức, 1019 cá nhân vi phạm, đã xử lý hành chính 803 vụ, thu phạt trên 6 tỷ đồng...
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ trung ương đến địa phương để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những bất cập đối với văn bản quy phạm pháp luật liên quan; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh chấp hành đúng quy định của pháp luật.