Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Chính phủ cần kiên quyết hơn trong quản lý giá xuất khẩu thủy sản, tránh việc doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá để giành thị phần, đồng thời quản lý tốt hơn về chất lượng thủy sản xuất khẩu, tránh việc bị đối tác trả hàng vì không đạt chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Đồng Tháp   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 576/BCT-KH ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

- Đối với giá xuất khẩu thủy sản

Theo quy định tại Luật Giá và Luật Thương mại, trong hoạt động mua bán hàng hóa, các bên có quyền tự do thỏa thuận và tự định giá mua, giá bán hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Các mặt hàng thủy sản không thuộc Danh mục nêu trên, do đó, không có cơ sở pháp lý cho việc xử lý hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh giảm giá để giành thị phần.

Xuất khẩu thủy sản trong các năm qua của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh, trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm hiện nay là trên 6 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu là cá tra phát sinh nhiều vấn đề phức tạp: (i) tổ chức xuất khẩu hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, tình trạng cùng một thị trường nhập khẩu nhưng có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chào bán, có tình trạng phá giá lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh để giành hợp đồng, làm cho giá xuất khẩu cá tra đã giảm xuống ở các thị trường xuất khẩu chủ lực; kéo giá cá trong nước sụt giảm theo; (ii) thiếu các chế tài xử lý vi phạm mang tính chất đặc thù đối với hành vi vi phạm trong sản xuất và tiêu thụ cá tra; (iii) thiếu cơ chế chính sách đặc thù để giúp sản xuất và tiêu thụ cá tra phát triển ổn định.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay góp phần giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá Tra, cá Basa trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2013. Hiện nay, Chính phủ đang trong quá trình xem xét.

- Đối với vấn đề quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu

Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ban hành năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của từng Bộ, ngành, trong đó chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với mặt hàng thủy sản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất chú trọng việc quản lý chất lượng đối với thủy sản xuất khẩu từ công tác phổ biến tuyên truyền đến thanh, kiểm tra, giám sát từ khâu nhập khẩu giống, nuôi, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu và chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản.

Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 15/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp tiêu thụ gạo và thủy sản trong thời gian tới, trong đó, chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam phụ trách các địa bàn lưu ý các quy định về chất lượng thủy sản; đánh giá, báo cáo Bộ các rủi ro khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường, địa bàn được giao phụ trách. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức Hội nghị giữa Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 18 tháng 12 năm 2013 nhằm bàn các biện pháp tăng cường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng như các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, tránh tình trạng bị trả hàng gây mất uy tín đối với hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: