Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị công khai minh bạch việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo đối với các hợp đồng tập trung, tránh tình trạng doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ nhưng không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu; kiên quyết rút giấy phép đối với doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và bổ sung các doanh nghiệp đủ điều kiện về vùng nguyên liệu, thiết bị công nghệ sấy, kho bảo quản, thu mua tạm trữ, chế biến xuất khẩu. Sớm phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ về cho địa phương chọn thời điểm thu mua tạm trữ cho phù hợp theo lịch thời vụ.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Đồng Tháp   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 576/BCT-KH ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Vấn đề công khai minh bạch trong việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo đối với các hợp đồng tập trung, tránh tình trạng doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ nhưng không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu

Việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo đối với hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109 với các tiêu chí, thủ tục, cách thức thực hiện cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam được giao thực hiện trách nhiệm này theo quy định.

Để giữ thị phần, thị trường và tranh thủ các cơ hội ký được hợp đồng tập trung theo các thỏa thuận Chính phủ, về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 44/2010/TT-BCT về cơ chế tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung và xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung.

Bên cạnh đó, để rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực thi các quy định liên quan cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6348/BCT-XNK ngày 17 tháng 7 năm 2013 yêu cầu Hiệp hội rà soát, báo cáo việc thực hiện các quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 44/2010/TT-BCT về hợp đồng tập trung. Trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát diễn biến tình hình các thị trường tập trung và quá trình thực hiện cơ chế điều phối xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, Bộ Công Thương đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cụ thể về vấn đề này.

Trong thời gian tới, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong việc thực hiện các quy định về thị trường tập trung, trong đó, có vấn đề phân bổ chỉ tiêu cho các thương nhân xuất khẩu.

Vấn đề kiên quyết rút giấy phép đối với doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và bổ sung các doanh nghiệp đủ điều kiện về vùng nguyên liệu, thiết bị công nghệ sấy, kho bảo quản, thu mua tạm trữ, chế biến xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trách nhiệm được giao theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, rà soát và chủ trì tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành hậu kiểm điều kiện kinh doanh của các thương nhân xuất khẩu gạo và kiên quyết xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định. Đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi 15 Giấy chứng nhận, trong đó, 7 trường hợp thương nhân không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định, 4 trường hợp thương nhân tự nguyện đề nghị thu hồi, 4 trường hợp vi phạm quy định không xuất khẩu gạo trong 12 tháng liên tục theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.

Đồng thời, để tăng cường sàng lọc thương nhân trước khi cấp giấy chứng nhận, Bộ Công Thương đã tổ chức một số Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh của thương nhân trước khi cấp phép và căn cứ kết quả kiểm tra thực tế để làm cơ sở cho việc xem xét, cấp giấy chứng nhận.

Hiện nay, Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ các tiêu chí, điều kiện để được làm đầu mối xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của thương nhân cũng như công tác thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên thực tế để đảm bảo góp phần ngày càng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và hiệu quả xuất khẩu của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

 Vấn đề sớm phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ về cho địa phương chọn thời điểm thu mua tạm trữ cho phù hợp theo lịch thời vụ.

Vấn đề này liên quan đến cơ chế tạm trữ thóc gạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ Công Thương xin trao đổi thêm một số thông tin như sau:

 Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mua tạm trữ thóc, gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các thương nhân. Thực tế triển khai cơ chế tạm trữ thóc gạo thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ đã đạt được những kết quả tích cực, tăng cường sức mua trên thị trường khi vào vụ thu hoạch rộ, giúp giữ giá lúa gạo và không giảm sâu trong thời gian tạm trữ, góp phần bảo đảm lợi nhuận của người nông dân trồng lúa.

Theo Bộ Công Thương được biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mang tính dài hạn để thay thế những biện pháp mang tính ngắn hạn như triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình Cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn… Các giải pháp mà ngành nông nghiệp đang triển khai nhằm có cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và sản lượng gạo hàng hóa hợp lý, bảo đảm sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng lúa gạo hàng hóa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để góp phần đảm bảo khả năng tiêu thụ và hiệu quả xuất khẩu ngay từ khâu sản xuất; giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa.

Về phía Bộ Công Thương, để góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, tăng cường gắn kết hoạt động của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với khâu sản xuất, chế biến; bảo đảm ổn định đầu ra cho lúa gạo hàng hóa của người nông dân, Bộ đã ban hành Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với tiêu chí quy hoạch là thương nhân phải thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết, hợp tác, đặt hàng bao tiêu lúa gạo hàng hóa cho người sản xuất. Hiện nay, Bộ đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng lộ trình này.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: