Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả điều hành của Hiệp hội Lương thực trong việc phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ, chỉ tiêu xuất khẩu đối với các hợp đồng tập trung, hạn chế tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh làm cho giá gạo xuất khẩu xuống thấp trong thời gian qua.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Đồng Tháp   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Thương mại   

Trả lời:

Tại công văn số 576/BCT-KH ngày 21/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

- Đối với việc phân bổ chỉ tiêu mua thu mua tạm trữ thóc, gạo

Vấn đề liên quan đến cơ chế tạm trữ thóc gạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với tư cách là cơ quan phối hợp trong vấn đề này, Bộ Công Thương xin trao đổi thêm một số thông tin như sau:

 Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mua tạm trữ thóc, gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các thương nhân. Thực tế triển khai cơ chế tạm trữ thóc gạo thời gian qua cho thấy, việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ đã đạt được những kết quả tích cực, tăng cường sức mua trên thị trường khi vào vụ thu hoạch rộ, giúp giữ giá lúa gạo không giảm sâu trong thời gian tạm trữ, góp phần bảo đảm lợi nhuận của người nông dân trồng lúa. Tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 18 tháng 4 năm 2013, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “…Chính sách hỗ trợ tạm trữ thóc, gạo là một trong những biện pháp điều hành của Chính phủ nhằm bảo đảm tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần kiềm chế không để giá lúa, gạo trên thị trường giảm quá thấp, giúp bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân…”.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đã nhận được một số ý kiến phản ánh về cơ chế thu mua tạm trữ thóc, gạo và đã có Công văn số 4314/BCT-XNK ngày 17 tháng 5 năm 2013 tổng hợp các ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc mua tạm trữ thóc, gạo của các địa phương chuyển đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu tổng hợp trong quá trình hoàn thiện Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu đối với hợp đồng tập trung

Việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo đối với hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 44/2010/TT-BCT. Thực hiện trách nhiệm được giao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, điều phối thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu và tổ chức thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung đã ký.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là sau cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, các nước nhập khẩu gạo vốn là thị trường tập trung truyền thống của Việt Nam đã tăng cường sản xuất lương thực, lúa gạo để tự đảm bảo an ninh lương thực trong nước; chỉ nhập khẩu cầm chừng, đủ tiêu dùng, không tăng tồn kho. Bên cạnh đó, việc các nước xuất khẩu ngày càng cạnh tranh quyết liệt để giành, giữ thị trường đã làm cho xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung của Việt Nam giảm mạnh. Do đó, việc giành được các hợp đồng tập trung với số lượng lớn ngày càng khó khăn và phải chịu sức ép cạnh tranh thị trường về giá với nhiều đối tác xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, để giữ thị phần, thị trường và tranh thủ các cơ hội ký được hợp đồng tập trung theo các thỏa thuận Chính phủ, về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối là Vinafood 1 và Vinafood 2 đề nghị Hiệp hội và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 44/2010/TT-BCT.

Bên cạnh đó, để rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực thi các quy định liên quan cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản số 6348/BCT-XNK ngày 17 tháng 7 năm 2013 yêu cầu Hiệp hội rà soát, báo cáo việc thực hiện các quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và Thông tư số 44/2010/TT-BCT về hợp đồng tập trung. Trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát diễn biến tình hình các thị trường tập trung và quá trình thực hiện cơ chế điều phối xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, Bộ Công Thương đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cụ thể về vấn đề này.

Trong thời gian tới, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong việc thực hiện các trách nhiệm được giao theo quy định về thị trường tập trung và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: