Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép hoặc sai với quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và kiên quyết tịch thu các phương tiện khai thác khoáng sản trái phép.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Lào Cai    Trà Vinh    Thái Nguyên    Bình Thuận   

Đơn vị xử lý: Bộ tài nguyên và môi trường   

Lĩnh vực: Khoáng sản   

Trả lời:

Tại công văn số 594/BTNMT-PC ngày 28/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, hiện nay các ngành các cấp đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau từ cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Cụ thể như sau:

a) Các giải pháp về mặt cơ chế

Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định được điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản. Các quy định mới của Luật cũng quy định theo hướng xóa bỏ dần cơ chế “xin - cho”. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản như: quy định tổ chức, cá nhân muốn được xem xét cấp phép khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực về vốn; điều kiện chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản …

Về một số biện pháp nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Ngày 24 tháng 10 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó điều chỉnh hình thức, mức xử phạt theo hướng bảo đảm tính ngăn chặn, răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. So với các quy định trước đây, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP đã bổ sung 55 hành vi mới, chỉnh sửa 33 hành vi trong lĩnh vực khoáng sản cho phù hợp. Nghị định này cũng đã tăng mức phạt tiền tối đa đối với những vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đối với cá nhân là 1 tỷ đồng và tổ chức là 2 tỷ đồng.

Đối với cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản như không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản đối với vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại cũng sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, mức phạt sẽ là 2 tỷ đồng đối với vi phạm của tổ chức. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác theo quy định.

Nghị định số 142/2013/NĐ-CP cũng đã bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả mới như: buộc giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; buộc nộp lại toàn bộ khối lượng khoáng sản hoặc giá trị bằng tiền có được do việc khai thác ngoài diện tích khu vực khai thác; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

b) Các giải pháp tổ chức thực hiện

Ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý khoáng sản, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khoáng sản, cụ thể là:

- Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương, trong đó có hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản.

- Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khoáng sản đối với Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về khoáng sản.

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép khai thác; tịch thu tang vật, phương tiện đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là đối với các hành vi: khai thác, chế biến gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho dư luận xã hội …

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: