Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri phản ánh tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt như

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Bình Định   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Thủy sản   

Trả lời:

Tại công văn số 742/BNN-TCTS ngày 03/03/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Thời gian qua tình trạng khai thác thủy sản bằng các biện pháp tận diệt như: sử dụng các ngư cụ khai thác có kích cỡ nhỏ; sử dụng xung điện, ghe cào điện, các dạng lưới đánh, kéo, dớn, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản diễn ra với tính chất tinh vi, phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tại một số địa phương tình trạng này diễn ra công khai, ngang nhiên và kéo dài nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả. Trong vài năm trở lại đây, ở một số địa phương còn xuất hiện hình thức đánh bắt thủy sản bằng kích điện ắc quy và điện máy nổ đe dọa tận diệt các loài thuỷ sản và hủy hoại môi trường sống.

Nhằm từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, ngày 02/01/1998 Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Chỉ thị 01/1998/CT-TTg vê việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc để khai thác thủy sản. Sau khi có Chỉ thị 01/1998/CT-TTg, Bộ Thuỷ sản nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Văn hoá - Thông tin thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản. Thành phần gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ nói trên. Ban chỉ đạo Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị như văn bản 481CV/BVNL ngày 18/02/1998 v/v hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành văn bản triển khai thực hiện chỉ thị 01 và thành lập ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thành phần ban chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các ngành Thuỷ sản, Công an, Quân đội, Biên phòng, Văn hoá thông tin. Trong 3 năm, từ năm 1998 đến năm 2001, Ban chỉ đạo đã tổ chức được 5 Hội nghị và 8 lớp tập huấn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho cán bộ chủ chốt các tỉnh để bàn triển khai thực hiện Chỉ thị và định kỳ sơ kết việc thực hiện. Đến nay, đã có 55/63 tỉnh, thành phố có sông, biển thành lập Ban chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản ở địa phương (Ban chỉ đạo địa phương) và ban hành các văn bản liên quan đến triển khai thực hiện Chỉ thị 01 trong đó có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, nhất là có một số huyện triển khai thành lập Ban chỉ đạo đến tận cấp xã, phường.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản từng bước được ngăn chặn. Nguồn lợi thủy sản dần được phục hồi, môi trường sinh thái được bảo vệ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai chưa đồng bộ; tình hình sử dụng xung điện khai thác thủy sản vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là các thủy vực hồ tự nhiên; hồ chứa thủy điện, thủy lợi; sông, suối vùng nội đồng; công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra chưa thực sự quyết liệt ở một số địa phương.

Để bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế; các hệ sinh thái đặc thù; ngăn chặn có hiệu quả và tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ trái phép trong khai thác thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu choThủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ ngành khác liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, cụ thể như sau:

-                         Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chú trọng tập trung tuyên truyền sâu, rộng nội dung Chỉ thị đến mọi tầng lớp cán bộ, công, nông, ngư dân; các tổ chức đoàn thể, xã hội từ Trung ương đến địa phương. Lồng ghép, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.  

-                         Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ trái phép trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013. Trước mắt tập trung thanh, kiểm tra tại các tỉnh nội đồng và vùng ven biển.  

-                         Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xác định vùng cấm, thời gian và ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; thành lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển, 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa; các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng nhằm phục hồi các hệ sinh thái điển hình như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, các bãi giống, bãi đẻ của giống loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.

-                         Thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, hàng năm thả bổ sung giống ra các thủy vực ngoài tự nhiên. Giai đoạn trước mắt tập trung thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài đã bị khai thác cạn kiệt tại các lưu vực sông và hồ chứa trên phạm vi toàn quốc.

-                         Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và Chính quyền địa phương triển khai phổ biến Luật Thủy sản và các quy định của Chính phủ về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị chức năng của Ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng chất nổ, xung điện, các phương tiện và ngư cụ khai thác thủy sản trái phép tại các thủy vực ngoài tự nhiên.

-                         Lực lượng kiểm ngư tăng cường phối hợp với lực lượng công an và bộ đội biên phòng, cảnh sát biển từ trung ương đến địa phương; chính quyền các cấp tại địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, các ngư cụ cấm trong hoạt động khai thác thủy sản.

-                         Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản; Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

-                         Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Có kế hoạch và phân công cụ thể cho các Ban, ngành và các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát ở địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện vào khai thác thủy sản. Đồng thời tiến hành rà soát, bổ sung và lập quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản; xây dựng các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; xây dựng và hình thành các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng do địa phương quản lý.

-                         Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc, xung điện và các ngư cụ trái phép.

Ngoài ra, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và các ngư cụ cấm trong khai thác để khai thác thuỷ sản. Về lâu dài cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng xã hội hướng tới coi việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là trách nhiệm của mọi công dân.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: