Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri đề nghị cho mở rộng diện tích nuôi trồng cây dược liệu, con giống để làm thuốc Đông y chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tỉnh có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Hiện nay ngành Đông y đóng góp khoảng 40% vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng hầu hết nguyên liệu để làm thuốc đều phải nhập ở nước ngoài với giá thành rất cao.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Bình Phước   

Đơn vị xử lý: Bộ y tế   

Lĩnh vực: Quản lý thuốc, dược phẩm, và thực phẩm chức năng   

Trả lời:

Tại công văn số 746/BYT-VPB1 ngày 24/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

- Thực hiện Thông báo số 164/TB – VPCP ngày 16/6/2010 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 886/KH – BYT ngày 29/10/2010, theo đó Bộ Y tế đã và đang:

+Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước; xây dựng thí điểm một số mô hình thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.

+ Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu để xây dựng hoàn chỉnh 40 bộ hồ sơ dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.

- Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định 1976/QĐ- TTg về phê duyệt  “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” trong nội dung quy hoạch, Chính phủ đã chỉ rõ các vùng nuôi trồng và phát triển dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và nhu cầu sử dụng trong nước cũng như xuất nhập khẩu.

- Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phát động phong trào “người Việt dùng thuốc Việt” theo đó, ưu tiên sử dụng thuốc Nam với tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” và thực hiện chủ trương phối hợp với các Bộ và Địa phương thực hiện công tác quản lý và phát triển Dược liệu, trong đó luôn chú trọng mở rộng diện tích các vùng trồng dược liệu ở các địa phương, khuyến khích phát triển những cây dược liệu đặc thù tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của đại đa số nhân dân.

- Trên thực tế có một số tỉnh đang quan tâm và thực hiện triển khai rất tốt phát triển nuôi trồng Dược liệu cả về số lượng cây thuốc và diện tích nuôi trồng như Hà Giang, Quảng Ninh, Đăk Nông…Điều này cho thấy để mở rộng diện tích nuôi trồng dược liệu tại các địa phương, cần đến sự quan tâm của chính quyền các cấp và cơ chế chính sách thông thoáng cho các Doanh nghiệp và Nhà nông thực hiện. Hiện nay, hầu như các công ty muốn đầu tư trồng dược liệu tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do:

+ Dược liệu là cây trồng cần phải đầu tư dài hạn, lâu năm, tuy nhiên các địa phương vẫn chưa giao quyền sở hữu đất cho các công ty nuôi trồng dược liệu để đảm bảo trong việc nuôi trồng dược liệu;

+ Việc quản lý các công ty trồng dược liệu tại địa phương còn giao thoa giữa nhiều các Cơ quan (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Sở Y tế; Sở Kế hoạch Đầu tư) trong tỉnh gây khó khăn cho các công ty thực hiện;

+ Hầu như các địa phương còn tự phát trong việc trồng cây dược liệu, chưa có quy hoạch các vùng trồng dược liệu, đặc biệt là các cây dược liệu đặc thù tại địa phương.

- Để quyết tâm thực hiện công tác phát triển dược liệu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban ngành cùng UBND các tỉnh sẽ triển khai thực hiện quy hoạch các vùng trồng và phát triển dược liệu. Rất mong các đại biểu Quốc hội ở các địa phương ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch dược liệu đạt kết quả tốt.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: