Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Vào mùa mưa lũ các đập chứa nước của các nhà máy thủy điện trên cả nước đều tiến hành xả lũ, nhưng không thông báo kịp thời và rộng rã cho các hộ dân sống gần khu vực hồ chứa nước hoặc ở vùng hạ du nên thường xuyên gây thiệt hại về người và tài sản cho các hộ dân sống trong khu vực này. Đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, quy trách nhiệm bồi thường cho các tổ chức, cá nhân khi tiến hành xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Bình Phước   

Đơn vị xử lý: Bộ công thương   

Lĩnh vực: Điện   

Trả lời:

Tại công văn số 706/BCT-KH ngày 24/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong đầu tháng 11 năm 2013, nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này. Theo Báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh khu vực miền Trung và Báo cáo của các chủ đầu tư thủy điện, cũng như Đoàn công tác của Bộ Công Thương đi kiểm tra vận hành hồ chứa thủy điện cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở tỉnh khu vực niền Trung đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (đối với các hồ chứa trong quy trình liên hồ) và Quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ (Cụ thể các hồ thủy điện khu vực miền Trung cắt, giảm lưu lượng đỉnh lũ xả xuống hạ du trong đợt lũ đầu tháng 11 năm 2013: A Vương là 2,91%; Sông Bung 4A là 0,88%; Sông Bung 5 là 2,07%; Đắk Mi 4 là 10,6%; Sông Tranh 2 là 59,1%; Sông Ba Hạ là 26%; Krông H'Năng là 53,8%; Sông Hinh là 87,9%; Vĩnh Sơn (hồ A) là 70%; Ka Nak là 36%; Đăk Đrinh là 29,24%.). Tuy nhiên, hầu hết các hồ chứa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có dung tích nhỏ, nhất là các hồ chứa thủy điện nên khả năng điều tiết lũ kém. Đồng thời, việc dự báo sớm dòng chảy đến các hồ chứa còn khó khăn dẫn tới việc vận hành tích nước, xả lũ của hồ chứa còn bị động, thời gian thông báo xả lũ ngắn. Do đó, việc cắt giảm lũ cho hạ du trong một số trường hợp vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương triển khai nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại do xả lũ như: rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý an toàn đập; ban hành và tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các sai phạm; xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du để chủ động ứng phó khi các hồ chứa xả lũ; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm về tình hình mưa lũ; đầu tư xây dựng hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, báo động xả lũ, trước hết là đối với các hồ thủy điện, thủy lợi dung tích lớn.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: