Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích mở rộng phát triển cánh đồng mẫu lớn kết hợp với thu mua, tạm trữ và chế biến, xuất khẩu gạo và tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống lúa chất lượng cao để giảm diện tích giống lúa thường, chất lượng thấp, cụ thể như:
- Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; trong đó có quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân nhằm khuyến khích liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch.
- Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có chính sách hố trợ các địa phương trồng lúa 500.000 đồng/ha với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha với đất lúa khác nhằm tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi, kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng; hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả.
- Hàng năm khi giá lúa gạo xuống quá thấp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạm trữ thóc gạo nhằm đẩy giá thị trường lên có lợi hơn cho nông dân.
- Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai đề án sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao” đến năm 2020. Mục tiêu là nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, có giá bán tối thiểu 600 USD/tấn đối với gạo trắng hạt dài và 800 USD/tấn đối với gạo thơm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn, có hệ thống sấy lúa, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất; đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lúa gạo, xây dựng được các thương hiệu lúa gạo có khả năng canh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Bên cạnh chọn tạo giống lúa mới, Bộ đang đặc biệt quan tâm đến củng cố hệ thống nhân giống lúa ở ĐBSCL. Bộ ưu tiên kinh phí cho dự án sản xuất giống lúa trong Chương trình giống quốc gia đến 2020, dự án khuyến nông sản xuất giống lúa ở ĐBSCL; đang gắn kết các dự án này với mục tiêu đến 2015 ít nhất 50% diện tích lúa ở ĐBSCL sử dụng giống cấp xác nhận (hiện nay mới đạt khoảng 25-30%).