Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Ngành chăn nuôi hiện nay phải đầu tư con giống và chuồng trại rất lớn nhưng khi bán giá cả không ổn định, lên xuống thất thường. Đề nghị nhà nước có giải pháp để người chăn nuôi yên tâm?

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hưng Yên   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Vật tư nông nghiệp, giống, chăn nuôi, khoa học kỹ thuật   

Trả lời:

Tại công văn số 879 /BNN – CN ngày 11/3/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Sự phát triển của ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế của người dân và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của xã hội. Trong những năm gần đây sản xuất chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn đó là chi phí đầu tư cao nhưng giá bán sản phẩm chăn nuôi không ổn định, lên xuống thất thường.

1. Nguyên nhân:

- Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, mức đầu tư thấp chưa đáp ứng được với đòi hỏi thâm canh tăng năng suất chăn nuôi, trong đó khâu giống và thức ăn, dinh dưỡng là những khâu đang còn rất hạn chế của khu vực chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ làm giảm năng suất, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi nói chung;

- Dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ra diện rộng làm phát sinh chi phí sản xuất chăn nuôi và tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng thực phẩm và rất khó khăn cho vấn đề xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hiện đang ngày càng xuất hiện cung vượt cầu;

- Công tác thống kê và cập nhật số liệu về sản xuất còn nhiều bất cập gây khó khăn và thiếu cơ sở để nhận định, đánh giá và dự báo xu hướng phát triển nhằm đưa ra những biện pháp chỉ đạo sản xuất hiệu quả.

- Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến phân phối thực phẩm còn nhiều bất cập. Còn tồn tại quá nhiều khâu trung gian gây phát sinh giá thành, dẫn đến thực trạng: người chăn nuôi thì phải bán sản phẩm với giá thấp, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thực phẩm giá cao.

2. Giải pháp phát triển:

Việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên sẽ tạo điều kiện cho chăn nuôi trong nước phát triển và người chăn nuôi yên tâm đầu tư. Một số biện pháp chính mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đang cùng các bộ, ngành và các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian hiện nay là:

- Tiếp tục triển khai hoàn thành các mục tiêu và nội dung của Chiến lược Phát triển chăn nuôi đến năm 2020, trong đó phải hoàn thiện khẩn trương việc rà soát điều chỉnh quy hoạch và chính sách phát triển chăn nuôi, phát huy thế mạnh của từng vùng và yêu cầu của thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu các SP chăn nuôi mà Việt Nam có lợi thế, như: lợn, gia cầm, ong mật, bò sữa…

- Triển khai Đề án Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

- Các Bộ và các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo triển khai khẩn trương và triệt để các nội dung của Nghị định số 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển chăn nuôi trang trại, tập trung công nghiệp;

- Cùng với chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đang khẩn trương hoàn thiện nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ bền vững giai đoạn 2014-2020”, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2014;

- Ngoài các chính sách lớn nêu trên Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo xây dựng và triển khai các Đề án, Dự án kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước thời gian tới, như: Phát triển giống vật nuôi cho các tỉnh biên giới; Tăng cường năng lực quản lý giống vật nuôi; Tăng cường hệ thống thụ tinh nhân tạo gia súc, gia cầm; Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thu y, nhất là thú y cơ sở; Nâng cao năng lực hệ thống giết mổ và chế biển gia súc, gia cầm gắn với vùng sản xuất chăn nuôi và thị trường tiêu thụ; Chuyên đổi cơ cấu cây trồng phục vụ phát triển chăn nuôi; Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi sản phẩm, gắn người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ…

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: