Trong những năm vừa qua công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài và trọng tâm trên phạm vi toàn quốc trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2013 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiệnChỉ thị số 18-CT/TW; Nghị Quyết số số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đã được xác định các nhóm giải pháp đồng bộ trên tất cả lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủ nội địa; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Hàng năm, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã ban hành kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội triển khai thực hiện. Có thể nói nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được triển khai đồng loạt trên phạm vi cả nước, được sự ủng hộ và tham gia của mọi tầng lớp nhân dân; các nhiệm vụ giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được triển khai thường xuyên, liên tục và được sự giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành và nhân dân. Đến nay, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, liên tục trong hai năm 2012-2013 tai nạn giao thông đã giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, và đây cũng là những năm đầu tiên số người chết vì tai nạn giao thông giảm dưới 10.000 người.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông hàng năm vẫn còn cao, vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Để tiếp tục kiểm chế tai nạn giao thông trong năm 2014, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vẫn tiếp tục xác định là “Năm An toàn giao thông”với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2014 sẽ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước bao gồm: xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kiện toàn bộ máy quản lý về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tăng cường quản lý hoạt động vận tải, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện; tăng cường quản lý, kiểm soát tải trong xe; tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả của công tác bảo trì, thực hiện các giải pháp về tổ chức giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm và chống ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường năng lực, hiệu quả thực thi công vụ của các lực lương làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cấp chính quyền cơ sở; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, thực hiện các biện pháp chống tiêu cực để nâng cao trách nhiệm khi thi hành công vụ của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định cụ thể hơn những nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện, báo cáo Thủ tướng chính phủ.