Lương và các chính sách khác là một trong những yếu tố chính tạo động lực cống hiến và đổi mới giáo dục của đội ngũ nhà giáo.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Mục III- Nhiệm vụ, giải pháp quy định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ở các cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học. Theo quy định Nghị định này “chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp”.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ khẩn trương phối hợp cùng các bộ ngành liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Lộ trình xây dựng hệ thống thang bảng lương của viên chức ngành giáo dục và đào tạo, theo quy định, trong lộ trình cải cách tiền lương chung của Nhà nước.
Về kiến nghị “sớm bổ sung chế độ thâm niên nghề cho cán bộ quản lý giáo dục”: Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020", Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xác định rõ các ngành nghề đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ) trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Câu 75+76+77. Cử tri các tỉnh Bắc Giang, Điện Biên, Ninh Thuận, Tiền Giang:
- Nhân viên hành chính trong các trường học ngoài tiền lương, không được hưởng các chế độ khác như phụ cấp thâm niên của giáo viên, phụ cấp ưu đãi ngành. Đề nghị có chế độ phụ cấp cho những đối tượng này (Câu 75).
- Cử tri kiến nghị cho các đối tượng cán bộ hành chính, văn thư, kế toán đang công tác ở các trường công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp công vụ 25% mức lương đang hưởng. Vì hiện nay, các đối tượng này không có chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nên cần thiết nghiên cứu cho hưởng phụ cấp công vụ (Câu 76).
- Cử tri kiến nghị có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các đối tượng như: kế toán, văn thư, y tế, thư viện hiện đang công tác trong các cơ sở giáo dục – đào tạo. Vì các đối tượng này hiện không được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Do đó, việc thực hiện chính sách phụ cấp chuyên ngành sẽ động viên các đối tượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng nhà trường thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành giáo dục và đào tạo (Câu 77).
Đối tượng viên chức (phục vụ công tác giảng dạy) công tác trong các cơ sở giáo dục công lập, tùy theo vị trí việc làm và địa bàn công tác, đang được hưởng một số loại phụ cấp, trợ cấp, gồm:
- Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức làm việc trong thư viện, quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ và Thông tư số 26/2006/TT-BVHTTDL ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho viên chức làm việc trong các phòng thí nghiệm ở các trường và các cơ sở giáo dục khác quy định tại Công văn số 9552/TCCB ngày 26/9/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại trường học quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.
Viên chức công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.
Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020", Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xác định rõ các ngành nghề đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ) trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Câu 78+80. Cử tri tỉnh Vĩnh Long, Long An:
- Cử tri tiếp tục phản ánh: quy định được hưởng phụ cấp thâm niên, công vụ trong ngành giáo dục phải là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, còn những người làm công tác quản lý thì không được hưởng phụ cấp này, như vậy là không công bằng (Câu 78).
- Đề nghị có chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên làm công tác quản lý ở Sở và Phòng giáo dục (Câu 80).
Phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng áp dụng là nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập; Chế độ phụ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có: phòng giáo dục và Đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020", Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xác định rõ các ngành nghề đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp để bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề, công vụ) trình Chính phủ xem xét, quyết định.