Qua công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường, trái cây và thực phẩm nhập lậu bị thu giữ chủ yếu từ khu vực các tỉnh biên giới, thời gian gần đây, số vụ, số lượng trái cây, thực phẩm bị phát hiện, thu giữ ngày càng giảm. Điều này cho thấy với việc kiểm tra, kiểm soát gắt gao và thường xuyên của các cơ quan chức năng, các vụ buôn lậu đã giảm dần, tuy nhiên, cũng phát hiện thêm các đối tượng vận chuyển đã chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Khi các mặt hàng này vào thị trường nội địa thì việc kiểm tra, xử lý rất khó khăn vì chưa có căn cứ xác định mức độ nguy hại đối với ngưỡng an toàn người sử dụng; chưa có căn cứ nhận biết, phân biệt, trái cây, thực phẩm nhập lậu với hàng nội địa.
Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng nhập khẩu trái cây và thực phẩm không đảm bảo chất lượng, Bộ đã và đang triển khai các giải pháp sau:
- Về cơ chế, chính sách
+ Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của chính sách biên mậu hiện nay;
+ Thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.... để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
+ Đề xuất với Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm khảo sát, đánh giá chất lượng của thực phẩm có nguồn gốc thực vật sản xuất trong nước để xây dựng Đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Về chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát thị trường
+ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.
+ Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ngoài việc tăng cường biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc, cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức; tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại và củng cố bộ máy cơ sở; tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
+ Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, để tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Về hướng dẫn tuyên truyền pháp luật
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.
- Về vai trò của Hiệp hội, tổ chức chính trị-xã hội
Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân: Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
- Về hợp tác quốc tế
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức Quốc tế, trước hết với các nước láng giềng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.