1. Về công tác phân luồng trong giáo dục: Thời gian qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trung cấp chuyên nghiệp còn thấp. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị và Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 20/12/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo phân luồng học sinh sau trung học cơ sở , trên cơ sở đó xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông..
- Một số khó khăn trong công tác phân luồng: Nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội nói chung đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn yếu; Quy mô và điều kiện của các trườngtrung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh; Chương trình đào tạo trong trường trung cấp chuyên nghiệp và khả năng liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học còn hạn chế.
- Một số giải pháp để đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào trung cấp chuyên nghiệp: Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội; Đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia và cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền; Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp để có điều kiện tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, dạy nghề; Đổi mới cơ chế liên thông để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân; Đẩy mạnh công tác đào tạo tại các doanh nghiệp; Gắn đào tạo với việc làm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và các sở giáo dục và đào tạo phối hợp tổ chức đồng thời việc dạy văn hóa ghép chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cho người học có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (theo nhu cầu của người học) nhằm tạo điều kiện cho người học vừa hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
2. Công tác quản lý và chất lượng đào tạo đại học
Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và sự phát triển kinh tế xã hội, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn khó tìm được việc làm…
- Nguyên nhân của hiện trạng này do các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo: Đội ngũ giảng viên của một số trường còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hoá – xã hội trong khu vực và trên thế giới; trang thiết bị cho công tác đào tạo còn lạc hậu do chưa được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất, hệ thống thư viện nghèo nàn; đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng về quản trị đại học; thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiếu gắn kết giữa đào tạo với thực tế; thiếu động lực đổi mới từ cán bộ giảng viên đến đội ngũ cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng… Đó cũng là thực tế chung của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
- Một số biện pháp chấn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung vào một số công việc để chấn chỉnh, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo:
+ Soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy chế đào tạo các trình độ, các quy định về liên thông, liên kết; tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh; điều lệ và quy chế tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; các quy định về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đại học… để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, bao gồm cả chính sách đảm bảo quyền lợi đối với giảng viên, đặc biệt là những giảng viên trình độ cao để duy trì đội ngũ giảng viên có chất lượng làm công tác giảng dạy đại học;
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác đào tạo liên kết, liên thông, vừa làm vừa học và đã có những hình thức xử phạt nghiêm khắc; Xử phạt vi phạm hành chính, dừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với những cơ sở đào tạo có những sai phạm trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo chính quy; Tiến hành rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ[57].
- Để giải quyết các mặt còn tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tập trung vào một số giải pháp sau:
+ Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học; xác định rõ vai trò quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của các Bộ ngành Trung ương và địa phương; xây dựng và ban hành các chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học cho từng giai đoạn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
+ Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các vùng, miền và từng địa phương; quy hoạch, xây dựng các khu đại học; chuẩn bị các nguồn lực cho sự phát triển của toàn hệ thống; chuẩn bị phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo 3 định hướng (định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành) và xếp hạng để đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng, có tính cạnh tranh và tính phân loại cao.
+ Triển khai thực hiện đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng; xây dựng chính sách, chế độ phù hợp với giảng viên đại học để phát triển đội ngũ, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đổi mới phương pháp để phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên; thực hiện đào tạo gắn với thực tế để đáp ứng nhu cầu xã hội.
+ Đổi mới quản lý giáo dục đại học theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng. Quản lý chất lượng đào tạo theo hướng tổng thể bao gồm: quản lý các điều kiện đầu vào, quản lý quá trình đào tạo và quản lý chất lượng đầu ra; đánh giá và kiểm định chất lượng. Đồng thời, các trường phải thực hiện 3 công khai: công khai, minh bạch về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đầu vào, đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học… để quản lý và để xã hội giám sát.
+ Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học, điều chỉnh mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tiếp cận với chi phí đào tạo; thực hiện chương trình tín dụng sinh viên, cho phép các trường tự xác định và công khai mức học phí; khuyến khích đào tạo chất lượng cao, học phí cao để chia sẻ chi phí trong giáo dục đại học.
+ Tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm: rà soát các tiêu chí đảm bảo chất lượng, điều kiện mở trường, liên kết đào tạo… Phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện việc giám sát, kiểm tra toàn bộ hoạt động hệ thống giáo dục đại học; kiên quyết xử lý vi phạm, buộc dừng tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo nếu không đảm bảo chât lượng và công bố rộng rãi kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm để người học, cơ quan quản lý và toàn xã hội biết.