Về nội dung trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
I. Giải pháp hiệu quả để kiềm chế tai nạn giao thông và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, trong hai năm liên tiếp (năm 2013, 2014) tai nạn giao thông đã giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước có diễn biến phức tạp, tỷ lệ giảm có chiều hướng thiếu bền vững, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tải sản. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo; các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể như:
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ;
- Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông để ngăn chặn và giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và mùa Lễ hội xuân 2014.
- Các Bộ, ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 07 Đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung làm rõ những bất cập về quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, làm rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm vi phạm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức; Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an tổ chức 04 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tai nạn giao thông tăng tại các tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông tăng. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát kết hợp với trấn áp tội phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc.
Để chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá trọng tải, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an triển khai xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra tải trọng xe trên một số tuyến quốc lộ; đồng thời, chỉ đạo ngành Giao thông vận tải và công an ở các địa phương triển khai kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến trọng điểm vi phạm về tải trọng phương tiện. Tháng 9/2013, (đợt 1) Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư 10 bộ cân lưu động và bàn giao cho 10 địa phương để triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; theo kế hoạch trong Quý I năm 2014 sẽ tiếp tục đầu tư và bàn giao tiếp 57 bộ cân lưu động cho các địa phương còn lại. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an về "Phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ".
Để nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn đối với lãnh đạo, nhân viên Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hoàn thiện việc lắp đặt camera giám sát hoạt động tại 100% các Trạm đăng kiểm để tăng cường công tác giám sát; cải cách triệt để thủ tục hành chính, thay thế Sổ chứng nhận kiểm định bằng Giấy chứng nhận kiểm định, giảm phiền hà cho chủ phương tiện; xử lý triệt để hiện tượng phương tiện nhập khẩu cũng như đóng mới và hoán cải trong nước có sức chứa vi phạm quy định về tải trọng trên các trục xe; tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đăng kiểm viên; tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
II. Giám sát chặt chẽ công tác sát hạch cấp bằng lái xe, nhất là cấp bằng lái xe tải các hạng theo đúng quy định, quy trình
1. Về công tác quản lý
Trong thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; được sự chỉ đạo quyết liệt của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, Bộ Giao thông vận tải đã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); một số giải pháp cụ thể đã triển khai trong thời gian gần đây như:
a) Xây dựng và triển khai các Đề án:
- Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông;
- Đề án Đổi mới GPLX và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu GPLX thống nhất toàn quốc. Theo đó, mỗi lái xe chỉ có một số GPLX, ứng dụng công nghệ hiện đại để hạn chế giả mạo; hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc để phối hợp với Bộ Công an tăng cường quản lý GPLX (trước ngày 30/6/2013).
b) Tổ chức hội nghị toàn quốc về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ nhằm đánh giá công tác này giai đoạn 2009-2012 vào tháng 6/2012 và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo tinh thần Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ.
c) Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp quy về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX:
- Thông tư 06/2012/TT- BGTVT ngày 08/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ;
- Thông tư 18/2012/TT-BGTVT ngày 06/06/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ;
- Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (thay thế Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT);
- Thông tư 07/2013/TT-BGTVT ngày 03/05/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin giấy phép lái xe;
d) Nội dung sát hạch lái xe tiếp tục được điều chỉnh theo hướng hiện đại hoá, giảm thiểu tác động của con người vào kết quả sát hạch.
đ) Đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, xử lý nghiêm các vi phạm.