Thực tế thời gian qua, ở một vài dự án có hiện tượng chất lượng thi công, chất lượng giám sát thi công chưa được như mong muốn. Nhận biết được vấn đề này, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tư vấn giám sát và chất lượng các công trình giao thông như: Tổ chức đánh giá xếp hạng năng lực tổ chức tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư; xây dựng quy chế về hoạt động của tư vấn giám sát (Quyết định số 3137/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2013); xây dựng quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình (Quyết định số 2699/QĐ-BGTVT ngày 26/9/2013); đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát tăng cường lực lượng giám sát trên công trường nhất là kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào (cấp phối đá dăm, nhựa đường…). Bộ GTVT cũng đã xây dựng quy chế và có Quyết định số 1748/QĐ-BGTVT ngày 25/7/2012 gửi UBND, đoàn Đại biểu quốc hội các tỉnh phối hợp trong việc giám sát quá trình triển khai các công trình giao thông để đảm bảo tiến độ, chất lượng…
Theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ, thời gian bảo hành theo quy định là từ 12 tháng – 24 tháng kể từ ngày nghiệm thu, tùy thuộc quy mô, tính chất kỹ thuật của công trình. Thực tế với công trình giao thông, việc khai thác nhiều đoạn tuyến được thực hiện ngay sau khi thi công xong lớp mặt đường trong khi các đoạn tuyến tiếp theo vẫn được thi công nền móng. Như vậy, thời gian bảo hành các đoạn tuyến này thực tế là đã trên 24 tháng theo quy định.
Cũng qua công tác kiểm định, nghiệm thu chất lượng, Bộ GTVT đã yêu cầu tăng thời gian bảo hành công trình so với quy định của Nhà nước (như Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam – Thanh Hóa). Thời gian tới, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư thực hiện với các dự án có nghi vấn về chất lượng. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, đề nghị Nhà nước bổ sung yêu cầu này vào các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.