Ngày 30/11/2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BYT về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm. Thông tư đã quy định Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm và giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm đồng thời yêu cầu về quản lý đối với phụ gia thực phẩm.
Về quản lý phụ gia thực phẩm, Điều 6 của Thông tư 27/2012/TT-BYT đã quy định cụ thể như sau:
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ Y tế về việc Quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
2. Phụ gia thực phẩm phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng phụ gia để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Trình tự, thủ tục công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thực hiện theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
3. Áp dụng GMP trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm cần tuân thủ:
a) Hạn chế tới mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;
b) Lượng phụ gia được sử dụng trong trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, bao gói và vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm.
4. Ghi nhãn phụ gia thực phẩm thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 4 của Thông tư trên cũng quy định các hành vi cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm như:
1. Sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư.
2. Sử dụng phụ gia thực phẩm quá giới hạn cho phép, không đúng đối tượng thực phẩm quy định tại Phụ lục 2 được ban hành kèm theo Thông tư .
3. Sử dụng phụ gia thực phẩm không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
4. Sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
Như vậy, lưu hành và sử dụng những chất phụ gia, thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc được đưa từ Trung Quốc sang Việt Nam là những hành vi bị cấm đã được quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT nói trên. Để ngăn chặn hành vi này, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; để làm tốt công tác này, đặc biệt phải nhấn mạnh vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.
Để xử lý tình trạng hoa quả Trung Quốc gắn mác hoa quả thương hiệu nổi tiếng để bán trên thị trường Việt Nam, hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc, cụ thể:
- Giám sát tại cửa khẩu, địa bàn biên giới để phát hiện những sản phẩm mới, sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài, lấy mẫu, kiểm nghiệm ATTP và cảnh báo kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP.
- Khi có thông tin cảnh báo từ nước ngoài, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, lấy mẫu, thông báo kết quả các chỉ tiêu ATTP, cảnh báo các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
- Phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong kiểm soát thực phẩm nhập lậu và kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc trên thị trường toàn quốc.