- Tại khoản 1, Điều 11 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015 quy định việc hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm đã chế biến ở vùng Tây Bắc như sau:
"Các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc (theo Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 01 tháng 4 năm 2004) được Nhà nước hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm trong 5 năm đầu tiên tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất. Mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ là 1.000 đồng/tấn/km (một nghìn đồng)."
- Tại điểm a, khoản 6, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 09/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015 quy định về hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm đã chế biến ở vùng Tây Bắc như sau:
“ Các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và tre luồng (ghép thanh hoặc ép khối) trên địa bàn thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc (theo Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010” của Bộ Chính trị) được Nhà nước hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm trong 5 năm đầu tiên tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất, mức hỗ trợ mức là 1.500 đồng/tấn/km (một nghìn năm trăm đồng).”
- Tại điểm b, khoản 1, Điều 15 của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014) quy định hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ như sau:
"b) Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm đặt nhà máy đến trung tâm thành phố Hà Nội, hoặc trung tâm thành phố Đà Nẵng, hoặc trung tâm thành phố Hồ Chí Minh theo đường ô tô gần nhất; khối lượng vận chuyển tính theo công suất thiết bị thực tế nhà máy; thời gian tính hỗ trợ là 5 năm, tổng hỗ trợ được chia làm ba lần, kinh phí hỗ trợ ngay sau khi hoàn thành nhà máy bảo đảm tối thiểu 70% tổng số kinh phí hỗ trợ."
Như vậy, mức hỗ trợ vận chuyển sản phẩm đã qua chế biến (đối với các dự án đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định) đã được điều chỉnh từ 1.000 đồng/tấn/km (một nghìn đồng) lên 1.500 đồng/tấn/km (một nghìn năm trăm đồng).
Do vậy, trước mắt đề nghị tỉnh Sơn La thực hiện mức hỗ trợ theo đúng quy định tại các văn bản trên. Trường hợp mức hỗ trợ trên chưa hợp lý, đề nghị tỉnh Sơn La rà soát, tính toán cụ thể chi phí; trên cơ sở đó chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.