Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Chủ trương đầu tư cho ngành nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Nhà nước là chủ trương đúng đắn. Nông dân là đối tượng làm ra sản phẩm đóng góp rất lớn cho xã hội, cho phát triển kinh tế nhưng lại chịu rủi ro cao đối với sản phẩm do mình làm ra kể từ khi Việt nam ra nhập WTO, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng chưa tốt cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, các loại nông sản làm ra phải qua nhiều khâu trung gian để tiêu thụ, từ đó chi phí cao, sản xuất không có lãi; bài toán trúng mùa rớt giá từ nhiều năm chưa giải quyết được là nỗi băn khoăn, trăn trở lớn của người trồng lúa. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả của chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ để xuất khẩu đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; tổ chức thu mua nông sản trực tiếp cho nông dân nhằm giảm bớt các khâu trung gian và bảo đảm cho nông dân có thu nhập ổn định, có như vậy chính sách tam nông mới thực sự có ý nghĩa.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hậu Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Chính sách phát triển chung   

Trả lời:

Tại công văn số 70/BNN-KH ngày 10/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

- Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua đã có tác động tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển kinh tế xã hội: Đến nay, tổng năng lực tưới hệ thống thủy lợi đáp ứng 94% diện tích trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho trên 1,75 triệu ha đất nông nghiệp, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng, phục vụ sản xuất công nghiệp và dân sinh. Hệ thống đê tiếp tục được cứng hóa mặt, kết hợp giao thông, phòng chống lũ, bảo vệ các khu dân cư tập trung và những khu vực kinh tế quan trọng.

Trong lĩnh vực thủy sản, từ năm 2010 đến nay đã tập trung nâng cấp mở rộng nhiều cảng cá, đầu tư khu neo đậu tránh trú bão, nâng cấp các tàu thuyền đánh cá,…đảm bảo an toàn cho người và tàu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

Đến cuối năm 2012, tỷ lệ số xã có điện đạt 98,6% và tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện đạt 96,6% (tăng 2,3% so với năm 2008); 98,6% xã có đường ô tô đến trung tâm; 80% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Bình quân 5 năm 2009-2013, tốc độ tăng GDP ngành đạt 2,9% và giá trị sản xuất tăng 4%, thu nhập của người dân được cải thiện.

- Chính sách tạm trữ lúa gạo là một trong những biện pháp điều hành của Chính phủ nhằm đảm bảo tiêu thụ một phần sản lượng lúa hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại vùng ĐBSCL, góp phần kiềm chế không để giá lúa gạo trên thị trường giảm quá thấp, duy trì giá có lợi cho nông dân. Năm 2013, khi triển khai mua tạm trữ lúa Đông xuân và Hè thu, giá lúa gạo trên thị trường đã tăng so với trước thời điểm mua, mức giá mua đảm bảo người nông dân có lãi, cụ thể: khi triển khai mua tạm trữ, giá lúa vụ Đông xuân đã cao hơn 100-200 đ/kg; giá lúa vụ Hè thu đã cao hơn 700-800 đ/kg, gạo tăng 800-1000 đ/kg so với trước thời điểm thu mua tạm trữ.

- Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc thực hiện các biện pháp về khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn”. Năm 2013, diện tích liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất và tiêu thụ lúa cả nước đạt 174 ngàn ha; trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đạt 130 ngàn ha.

- Về lâu dài, để tạo sự chuyển biến căn cơ trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung tại Quyết định 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.  

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: