Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng. Đây không phải là chính sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân trồng lúa. Nhiều năm qua khi giá thóc, gạo trên thị trường sụt giảm dưới giá định hướng thông thường vào thời điểm thu hoạch rộ của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi đó Chính phủ áp dụng chính sách mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng (theo cân đối cung cầu toàn vùng ĐBSCL) vào thời điểm và trong khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó một số tỉnh có vụ thu hoạch (Đông Xuân, Hè Thu) sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm rộ chung của các tỉnh; mặt khác cả ĐBSCL là một thị trường về giao thương lúa gạo. Vì vậy thời điểm mua tạm trữ chỉ phụ thuộc vào thị trường (khi giá lúa gạo thấp hơn giá định hướng) nên không thể phù hợp với thời điểm thu hoạch lúa của tất cả các địa phương.
Về kiến nghị mua lúa gạo trực tiếp không qua khâu trung gian: Hiện nay thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn, thông qua đó xây dựng quan hệ hợp tác giữa nông dân và các doanh nghiệp cùng với các đối tác kinh tế khác (kể cả thương lái) nhằm điều chỉnh phân phối lợi ích hài hòa hơn. Trong thời gian tới (trong vòng 6 tháng đầu năm 2014), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg trên của Thủ tướng Chính phủ.
Về kiến nghị chính sách tạm trữ quy định mua theo giá sàn:
Theo quy định của pháp luật về giá, Chính phủ không quy định mức giá cụ thể, giá sàn, giá trần đối với sản phẩm lúa (thóc) do nông dân sản xuất; giá lúa, gạo thực hiện theo cơ chế thị trường và chịu sự chi phối quan hệ cung cầu thị trường do người mua người bán thỏa thuận. Điều này phù hợp và đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên khi cần thiết Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá, có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ về điều hòa cung cầu, bình ổn giá đầu vào, khuyến nông, thuế, phí... nhằm góp phần giúp người sản xuất lúa giảm giá thành sản xuất, tăng mức lợi nhuận đảm bảo ổn định và tái sản xuất.