Theo phân cấp quản lý hiện hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nhân lực cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên cơ sở hướng dẫn định mức biên chế theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước. Hiện nay, thực hiện Luật Viên chức thì việc xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực đối với các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo như:
- Tham mưu trình Thủ tướng ban hành Quyết định 14/2013/QĐ - TTg ngày 20/2/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối vớingười hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
- Đề án 1816 của Bộ Y tế để chuyển giao kỹ thuật từ các tuyến trên về tuyến dưới (được ban hành tại Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”). Ngày 21/12/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành quyết định số 5068/QĐ-BYT về việc quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013, nhằm tăng tính hiệu quả của việc thực hiện Đề án 1816, phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
- Dự án "Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (ban hành tại Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách cho cán bộ y tế nói chung và đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ y tế tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như:
- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, quy định mức phụ cấp từ 20% đến 70 %, trong đó mức phụ cấp 60% và 70% được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, trong đó quy định người tham gia chống dịch được hưởng mức phụ cấp từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày/người tùy theo từng loại dịch.
- Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch) ban hành năm 2003.
- Chế độ tập sự của bác sĩ ngắn hơn các ngành khác 3 tháng (thời gian tập sự của bác sĩ 9 tháng, của các đại học khác là 12 tháng).
Riêng với đối tượng cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, còn có một số chính sách:
- Nghị định 64/2009/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.
- Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng:
- Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sỹ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.
- Đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".
Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.