Chế độ phụ cấp thâm niên nghề được quy định nhằm giữ và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó lâu dài với nghề nghiệp trong một số nghề, được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, khi chuyển sang làm nghề hoặc công việc khác thì thôi hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Tại Điểm a Khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chế độ phụ cấp thâm niên nghề áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, công chức hải quan và người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
Đến năm 2009, căn cứ Kết luận số 40-KL/TW ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 bổ sung áp dụng phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức của các ngành: toà án, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra Đảng, thi hành án dân sự và kiểm lâm. Tiếp đó, căn cứ Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.
Thực hiện Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề cử tri đã nêu để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.