Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Thời gian qua, một số nhu yếu phẩm thiết yếu và nguyên liệu đầu vào như điện, nước, xăng dầu, viện phí, học phí,… tăng cao, làm cho đời sống của người dân càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đề nghị Chính phủ có chính sách quản lý chặt chẽ giá những mặt hàng thiết yếu, không để các doanh nghiệp lợi dụng tự ý tăng giá làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Quảng Nam   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 1554/BTC-QLG ngày 25/01/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Luật Giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã khẳng định nguyên tắc quản lý giá của nước ta đó là: (i) Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; (ii) Nhà nước thực hiện điều tiết giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Thực hiện nguyên tắc trên, trong điều hành giá đối với những mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp đều đã xây dựng những phương án cụ thể phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng thời kỳ; khi điều chỉnh giá các mặt hàng đó đều tính toán xem mức độ tác động đến sản xuất và đời sống để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường; điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu thời gian qua cụ thể như sau:

Đối với giá xăng dầu:

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP), với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP: khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Trong thời gian vừa qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện việc giám sát và điều hành giá xăng dầu trong nước tuân thủ theo đúng quy định và mục tiêu nêu trên.

Đối với giá điện:

Theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì về quản lý nhà nước đối với giá điện, Bộ Công Thương chủ trì; Bộ Tài chính phối hợp theo quy định. Trong năm 2013, giá bán điện chỉ được điều chỉnh tăng một lần, tỷ lệ tăng 5% từ 1/8/2013 (1.437 đ/kwh lên mức 1.508,85 đ/kwh (Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công Thương). Trên thực tế, song song với việc điều chỉnh giá điện, để hạn chế tối đa tác động của tăng giá điện đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Cụ thể: (i) Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng (Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Biểu giá bán lẻ điện). (ii) Trong các đợt điều chỉnh giá điện bình quân vừa qua (01/7/2012, 22/12/2012, 01/8/2013), để giảm bớt tác động tăng giá điện, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được giữ ổn định đối với bậc thang đầu tiên (0 – 50 kwh) cho hộ nghèo và thu nhập thấp (993 đ/kwh).

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc tăng giá điện, xăng dầu để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân.

Đối với viện phí, học phí:

Giá cả là chính sách tổng hợp của Đảng, Nhà nước, trong đó chính sách giá thuốc, dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí liên quan trực tiếp đến sức khỏe và thu nhập của người dân, là lĩnh vực rất phức tạp và công tác quản lý giá các mặt hàng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ quản lý ngành mà cần có sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền.

Hiện nay, quan điểm về phân công, phân cấp chỉ đạo giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành nói chung, giá thuốc, dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí nói riêng thuộc về các Bộ quản lý ngành và Bộ Y tế. Các Luật chuyên ngành đã được Quốc hội thông qua như Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Điện lực ... trong đó nội dung quản lý nhà nước về giá sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành đều được chuyển giao cho Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì. Chủ trương đó tiếp tục được khẳng định tại khoản 3 Điều 8 Luật giá (2012), theo đó "Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật  quy định".

Đảng và Chính phủ chủ trương điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đến nay, hầu hết giá các sản phẩm, dịch vụ đã thực hiện theo cơ chế thị trường. Đối với một số dịch vụ sự nghiệp công (dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa), thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý giá theo lộ trình “Xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi thường xuyên theo lộ trình, phù hợp với thu nhập của người dân. Xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công theo 3 mức: (1) Mức giá tính đủ tiền lương; (2) Mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; (3) Mức giá tính đủ lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Trên cơ sở đó, phân loại các đơn vị sự nghiệp để thực hiện theo 3 mức giá cho phù hợp. Các đối tượng thụ hưởng phải chi trả theo giá, phí dịch vụ. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng còn khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, tạo sự đồng thuận trong xã hội[5].

Như vậy, khi thực hiện lộ trình giá thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ nêu trên sẽ không tránh khỏi biến động tăng giá. Tuy nhiên, để giảm thiểu mức độ tác động đến người dân, các Bộ quản lý ngành cần tính toán kỹ, có giải pháp và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho một số tượng chính sách xã hội.

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, căn cứ quy định về quản lý giá tại Luật giá, Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật về cơ chế quản lý giá chung như: ban hành phương pháp tính giá chung đối với hàng hoá, dịch vụ để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức sản xuất, kinh doanh lập phương án giá và làm cơ sở thẩm định các phương án giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá; ban hành văn bản hướng dẫn về đăng ký giá, kê khai giá, hiệp thương giá, niêm yết giá để các Bộ, ngành, địa phương thống nhất thực hiện.   

Một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới:

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu kinh tế do Quốc hội, Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tập trung làm tốt một số nội dung sau:

- Tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; không  bù chéo; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân … điều hành một cách hài hòa các lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước để tránh giật cục tạo ra các cú sốc về giá cho kinh tế và cho người dân. Bên cạnh đó có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

-  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế. Kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường giá cả.

- Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường để có phương án điều hành phù hợp từng thời kỳ.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: