Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Kiến nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo để khuyến khích, động viên hộ thoát nghèo bền vững. Hiện nay, đời sống của các hộ cận nghèo còn rất khó khăn tuy nhiên mức hỗ trợ các hộ cận nghèo lại rất thấp, đề nghị tiếp tục xem xét tăng mức hỗ trợ đối với các hộ cận nghèo để phát triển kinh tế, không tái nghèo vì thu nhập của hộ cận nghèo không cách biệt nhiều so với hộ nghèo. Mức hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình còn thấp (80.000đ/nhân khẩu), chưa phát huy hiệu quả; đề nghị tập trung kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho người nông dân phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương để người dân thoát nghèo bền vững. Đề nghị nghiên cứu sớm ban hành chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn để giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo; có chính sách đặc thù và ưu đãi hơn đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo đảm bảo đủ nguồn vốn, lãi suất phù hợp. Cử tri kiến nghị cần có đánh giá toàn diện về chính sách xóa đói, giảm nghèo để có giải pháp thiết thực hơn trong công tác này. Đề nghị phải có tiêu chí quy định rất cụ thể trong việc xét duyệt đối với hộ nghèo và nên loại trừ các trường hợp hộ gia đình không chịu làm ăn, chỉ ăn chơi, cờ bạc mà bị nghèo thì không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách giảm nghèo. Chính sách đối với người nghèo hiện nay vẫn chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp vật chất, trợ cấp, chứ chưa mang tính định hướng, hỗ trợ nguồn lực. Đề nghị điều chỉnh chính sách đối với người nghèo theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, không hỗ trợ dàn trải; kéo dài thời gian hưởng các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, vay vốn, hỗ trợ học tập, vốn phát triển sản xuất sau khi thoát nghèo; đồng thời, hỗ trợ các hộ nghèo với điều kiện trong thời gian nhất định cam kết vươn lên thoát nghèo/

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Điện Biên   

Đơn vị xử lý: Bộ lao động, thương binh và xã hội   

Lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo   

Trả lời:

Tại công văn số 381/LĐTBXH-VP ngày 20/02/2014

Ngày đăng: 10/06/2014

Ngày 22 tháng 4 năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận:

- Việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân, phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo;

- Các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo đảm bảo sự thống nhất, những chính sách phát huy hiệu quả tiếp tục duy trì, đẩy mạnh; các chính sách còn hạn chế, vướng mắc cần được khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế;

- Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các chính sách cần được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất xong mới đến hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng phù hợp, hiệu quả hơn như ý kiến cử tri đã nêu.

(Đến nay đã có các chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo như: Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 8/5/2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo).

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: