Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị sớm phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2015 để các địa phương triển khai thực hiện.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 6   

Địa phương: Hòa Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Cơ sở vật chất ngành giáo dục   

Trả lời:

Trả lời (Công văn số  1111/BGDĐT-VP ngày 11/ 3/2014):

Ngày đăng: 10/06/2014

Thực hiện Chỉ thị số 02/TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020.

Ngày 14/10/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Tờ trình số 1276/TTr-BGDĐT trình Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020.

Ngày 12/11/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình số 1415/TTr-BGDĐT trình Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện Đề án.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 10015/VPCP-KTTH ngày 26/11/2013 về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho Đề án: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất đề xuất phương án bố trí vốn thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát lại danh mục đầu tư đã được duyệt của giai đoạn 2008-2012, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện từ năm 2014.

Câu 92+93. Cử tri tỉnh An Giang:Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ bản để đáp ứng yêu cầu dạy và học; Khánh An là xã biên giới của tỉnh An Giang, Việt kiều Campuchia cho con em sang học ở các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đã làm quá tải. Đề nghị ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường lớp đáp ứng việc học tập cho các em.                  

Theo Luật Xây dựng và Luật Ngân sách và Luật Giáo dục, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học do địa phương quản lý là nhiệm vụ chi của Ngân sách địa phương. Căn cứ vào nhu cầu hàng năm về đầu tư cơ sở vật chất, sở giáo dục và đào tạo các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt ngân sách đầu tư cho giáo dục.

Trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện và giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất  trường học.

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện các Đề án, Dự án, Chương trình hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn tài trợ:

- Dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông với tổng nguồn vốn đã đầu tư là 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong đó thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho 22 tỉnh khó khăn, đã có 2.440 phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, máy tính, phòng ở nội trú được đầu tư xây dựng.

- Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng nguồn vốn 245 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó đã thực hiện xây mới và nâng cấp 19.860 phòng học, 5.100 phòng giáo viên, 10.640 nhà vệ sinh…

- Dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn nhất, với tổng nguồn vốn 64 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam, trong đó đã thực hiện đầu tư xây dựng được 956 phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, 1.410 phòng ở cho học sinh và giáo viên tại 17 tỉnh thuộc những vùng khó khăn nhất.

- Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, với tổng nguồn vốn 186 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó thực hiện xây 4.650 phòng học, nhà vệ sinh, nhà đa năng tại 36 tỉnh, thành phố, ưu tiên cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người.

- Chương trình mục tiêu quốc giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

- Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên được thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn thực hiện một số mục tiêu nhất định để giải quyết nhu cầu cấp thiết và hướng đầu tư cơ sở vật chất các trường học đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định triển khai Đề án Kiên cố hóa giai đoạn 2014-2017 và lộ trình đến năm 2020 với mục tiêu: Thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục công trình của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Đầu tư xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với trường tiểu học; Đầu tư xây dựng mới để thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; Đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế.

Đối với việc ở địa phương có Việt Kiều Cămpuchia cho con em sang học đã làm quá tải ở trường học như cử tri phản ánh, theo quy định hiện hành, trách nhiệm này thuộc về Ủy Ban nhân dân tỉnh các cấp ở Bình Dương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang kiến nghị Ủy Ban nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức rà soát, tham mưu cho Ủy Ban nhân dân tỉnh có giải pháp kịp thời, tổ chức thực hiện, đảm bảo đủ trường, lớp học, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên… để đáp ứng yêu cầu đi học của nhân dân tại địa phương. Trường hợp địa phương đồng ý cho bà con Việt Kiều Cămpuchia cho con em sang học thì cũng phải đảm bảo đủ điều kiện trường, lớp học như đối với con em người địa phương.

Câu 94+95+96+109. Cử tri tỉnh Gia Lai, Điện Biên, Hà Nam:

- Hiện nay, phần lớn thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa chưa có trường, lớp mẫu giáo, các cháu mẫu giáo phải học nhờ nhà sinh hoạt thôn hoặc các lớp tiểu học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cử tri đề nghị sớm quan tâm đầu tư xay dựng cơ sở vật chất trường, lớp mẫu giáo tại các thôn, làng (Câu 94).

- Cử tri tiếp tục đề nghị ban hành chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học mầm non ở xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa (Câu 95).

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa được đầu tư kiên cố, nhất là ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường, lóp học và nhà công vụ cho giáo viên nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đồng thời nâng suất đầu tư phù hợp với đơn giá đầu tư từng vùng và bố trí đủ vốn cho xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình (Câu 96).

Các câu hỏi cùng lĩnh vực: